Lần đầu đấu thầu rộng rãi chọn nhà khai thác cảng biển
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chứng kiến Lễ ký kết |
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật, Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải nằm trong nhóm cảng biển số 5, có quy mô đầu tư 02 bến container Cái Mép hạ, 02 bến tổng hợp Thị Vải, tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bến tổng hợp Thị Vải được thiết kế và xây dựng cho tàu chở hàng rời cỡ Panamax có trọng tải 50.000DWT (có xét đến tàu hàng rời 75.000DWT giảm tải), tổng chiều bến là 600m. Các công trình phụ trợ kèm theo gồm văn phòng điều hành, nhà kho, thiết bị (2 giàn cẩu đa chức năng 40 tấn), xưởng bảo dưỡng, trạm nhiên liệu, mặt sân bãi, cổng kiểm tra.
“Đây là dự án đầu tư xây dựng cảng biển cho tàu trọng tải lớn với quy mô trang thiết bị hiện đại, làm thay đổi diện mạo hệ thống cảng biển trong nhóm cảng số 5 cũng như trong hệ thống cảng biển Việt Nam” – ông Nhật nhận định.
Cũng theo ông Nhật, việc đưa bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tăng cường sự kết nối phía Nam của khu vực sông Mê Kông, tạo động lực thu hút cho đội tàu trung chuyển hàng hóa đến và đi từ Bà Rịa-Vũng Tàu, phát triển cơ sở hạ tầng của ngành giao thông vận tải của nhóm cảng biển số 5. Bên cạnh đó, sẽ hấp dẫn các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển có mặt tại khu vực để hình thành các liên doanh xây dựng và khai thác cảng biển.
Phát biểu tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết hiện tại, VN đã xây dựng được một hệ thống gồm 6 nhóm cảng biển với 31 cảng, gần 400 bến cảng trong đó có những bến cảng hết sức hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể đón được tàu trọng tải hàng trăm nghìn DWT.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trong những năm qua, VN đã ban hành một loạt các cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến VN để đầu tư cũng như khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển trong đó có những quốc gia mạnh như Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản.
“Buổi Lễ ký kết hôm nay cũng đánh dấu việc lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2013 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải. Tiến tới phá bỏ dần sự độc quyền, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo bước đột phá cho các doanh nghiệp khai thác cảng của Việt Nam, đáp ứng các cam kết của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Đồng thời là biện pháp nhằm thu hồi vốn đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định.
Chủ trương Chính phủ Việt Nam đưa cảng vào hoạt động, khai thác hiệu quả, nhằm sớm thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà khai thác cảng theo quy định và Liên danh nhà thầu Cảng Sài Gòn-PTSC PM-Vinacom trúng thầu khai thác Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải.
Xác lập vị trí cảng biển trung chuyển quốc tế
Liên danh nhà thầu Cảng Sài Gòn-PTSC PM-Vinacom theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công hội tụ đầy đủ thế mạnh đảm bảo cho việc khai thác hiệu quả cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải. Liên danh gồm những doanh vừa có năng lực tài chính, có thế mạnh kinh nghiệm về khai thác cảng, mạnh nguồn hàng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ.
Thứ trưởng yêu cầu Liên danh Cảng Sài Gòn-PTSC PM-Vinacom khẩn trương xây dựng phương án khai thác, tập trung máy móc khai thác tối đa hiệu quả dự án này đồng thời cũng đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước và nhà khai thác cảng.
Được biết, trong những năm từ 2009 - 2011 một loạt bến cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải được đưa vào khai thác, cùng với đó là việc 16 tuyến vận tải đi Châu Mỹ và Châu Âu được các hãng tàu thiết lập từ khu cảng Cái Mép - Thị Vải này.
Việc tàu mẹ có sức chở lên đến 14.000 TEUs đã vào, rời các cảng khu vực Cái Mép an toàn là tín hiệu đánh dấu sự giảm dần và tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển của khu vực như Singapore, Hong Kong,… đồng thời khẳng định khu vực Cái Mép -Thị Vải hoàn toàn có thể hình thành một khu cảng cửa ngõ, đầu mối mang tính chất trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận