Doanh nghiệp

“Vua hầm” Đèo Cả

30/01/2017, 08:02

Mới dấn thân làm hầm đường bộ xuyên núi vài năm, nhưng nay Công ty Đèo Cả đã soán ngôi “Vua hầm” tại VN.

13

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hầm Đèo Cả ngày 27/8/2016

Mới dấn thân vào nghiệp đầu tư làm hầm đường bộ xuyên núi được vài năm, nhưng đến nay Công ty Đèo Cả đã soán ngôi “Vua hầm” tại Việt Nam. Điều đáng nói, CEO của Đèo Cả là ông Hồ Minh Hoàng khởi đầu gần như không biết gì về chuyện đào hầm, khoét núi...

Đầu tư hầm không hẳn vì tiền

Tôi biết đến cái tên Hồ Minh Hoàng từ năm 2005, khi đó chàng trai gốc Bình Định, nhưng lớn lên ở Phú Yên này được Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam tặng giải thưởng Cúp vàng Sao Đỏ. Năm đó, Hoàng 33 tuổi. Đây là giải thưởng hai năm một lần, nhằm mục đích tôn vinh những doanh nhân trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động doanh nghiệp và phát triển cộng đồng. Người được đề cử giải Sao Đỏ phải đáp ứng các tiêu chuẩn: độ tuổi, có thành tích xuất sắc trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển cộng đồng; xây dựng tổ chức đoàn - hội trong doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. 

Thời điểm đó, Hồ Minh Hoàng đang là Giám đốc Công ty Hải Thạch (nay là Tập đoàn Hải Thạch, tiền thân là một hợp tác xã), đã sáng tạo nhiều mẫu đèn chiếu sáng, từ hình tượng “cán cân công lý” tại Quốc lộ 1A, đến biểu tượng “cá ngừ đại dương” ở khu đô thị mới Hưng Phú, “cánh chim hy vọng” trên đường Hùng Vương, giúp công trình có sắc thái riêng. Đây cũng là công trình được Tập đoàn Schreder (Vương quốc Bỉ) công nhận là “công trình ấn tượng nhất” và đoạt giải nhì toàn thế giới. 

"Đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt Nam làm, thể hiện sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt Nam. Từ công trình này sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện những công trình khác."

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
nói khi thăm công trình hầm Đèo Cả ngày 27/8/2016

"Việc thông hầm Đèo Cả sẽ nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt giữa Phú Yên và Khánh Hòa, làm bàn đạp khai thác tiềm năng lợi thế, thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, thương mại, du lịch cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Dự án cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông."

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
phát biểu tại lễ thông hầm Đèo Cả, ngày 31/7/2016

Năm 2013, lần đầu tiên gặp Hồ Minh Hoàng ngoài đời, tôi hơi ngỡ ngàng. Hoàng đi giày không kéo gót loẹt quẹt, giọng nói Phú Yên lai Bình Định khó nghe, dáng người thô mộc, dị tướng, chẳng giống một doanh nhân Sao Đỏ nào mà tôi từng gặp. Nhưng lạ, ngay từ lần gặp đầu, tôi đã ấn tượng với con người thô mộc này, bởi sự thẳng thắn, sòng phẳng nhưng chân tình. Dù vậy, tôi vẫn không nhìn thấy tố chất nào ở vị CEO Đèo Cả này có thể trở thành “Vua hầm” đất Việt.

Hỏi duyên cớ nào đang làm đèn đường lại quay sang làm hầm, Hoàng thủng thẳng: “Làm doanh nhân thì mục đích đầu tiên là kiếm tiền, làm giàu cho mình và xã hội, nhưng việc này tôi làm không chỉ vì tiền”.

​Đèo Cả dài hơn 12 km, nằm  giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Sau khi đèo Hải Vân được thông hầm, đây là con đèo nguy hiểm nhất còn lại trên tuyến Quốc lộ 1 từ Bắc đến Nam. Tôi từng đọc bài báo viết về: “Những cung đường chết” trên báo cách đây vài năm, chi tiết đắt được tác giả đề cập là không hành khách nào dám ngủ khi đi qua con đèo này, vì nếu chẳng may bị tai nạn sẽ không thể biết vì sao mình lại chết. Còn Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên nói một cách hình ảnh, bây giờ không ai thống kê điểm đen trên còn đèo này nữa, không phải vì bớt nguy hiểm mà bởi chỗ nào trên đèo cũng tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông luôn rình rập trên Đèo Cả và khi tai nạn xảy ra, hầu như không ai có khả năng sống sót. 

Không nói ra nhưng trong câu chuyện trà dư tửu hậu, có lần Hồ Minh Hoàng mặt rầu rầu kể, anh từng tận mắt chứng kiến vụ tai nạn giao thông chết cả chục người khi qua Đèo Cả. “Nó ám ảnh tôi đến tận bây giờ”, Hoàng tâm sự.

Có lẽ đó là một trong những lý do mà Hồ Minh Hoàng quyết định rời Phú Yên, ra Hà Nội lập Công ty CP Đầu tư Đèo Cả năm 2010, với sự góp vốn của các cổ đông: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, Công ty CP Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty CP Á Châu. Hồ Minh Hoàng kể: “Công ty lập đúng lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, Mai Linh gặp khó khăn, xin rút vốn. Trong khi hồ sơ doanh nghiệp mới tinh, ít người dám tin chúng tôi có thể thực hiện được dự án, nên khó khăn chồng chất. Có những lúc tôi tưởng phải bỏ cuộc”.

Chưa hết, để có vốn thực hiện dự án, tháng 11/2011 chủ đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ tài trợ vốn cho dự án trị giá gần 800 triệu USD từ hai ngân hàng của Pháp là Credit Agricole Corporate & Investment Bank (CA-CIB) và Société Générale. Nhưng sau đó, đi sâu tìm hiểu thì việc giải ngân nguồn vốn nước ngoài này không hề đơn giản, với cả rừng thủ tục, chi phí đắt. Tưởng như đã xong phần vốn, thì đến đây lại tắc.

Theo CEO Hồ Minh Hoàng, bước ngoặt của dự án là từ năm 2012, sau khi được Bộ GTVT chính thức phê duyệt tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng. Đồng thời với sự quyết định táo bạo của chủ đầu tư và Bộ GTVT, thay vì dùng vốn ngoại, Bộ trưởng Đinh La Thăng xin Chính phủ chuyển sang dùng vốn vay trong nước, do nhà thầu trong nước thi công, chỉ thuê tư vấn giám sát nước ngoài, nên chi phí rẻ. Cộng thêm sự tham gia của cổ đông mới là Quỹ đầu tư Vietinbank, đã tạo luồng sinh khí mới cho việc triển khai dự án.

Sau khi nguồn vốn được khơi thông, gần như mọi nút thắt đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là cách thức triển khai và quản trị dự án. Đây là yếu tố quyết định chất lượng và tiến độ. Để chuẩn bị cho bước này, Hồ Minh Hoàng săn hàng loạt các chuyên gia giỏi đầu ngành. Chủ đầu tư chủ động mời Ban QLDA 85 của Bộ GTVT vào quản lý dự án, ban này từng có kinh nghiệm quản lý dự án hầm Hải Vân; đội ngũ cố vấn có nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng; PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình (Bộ Xây dựng); TS Nguyễn Anh Tuấn, nguyên TBT Báo Đầu tư; hàng loạt các kỹ sư giỏi được mời về làm các vị trí chủ chốt của công ty; Nhà thầu thi công có Sông Đà 10, Tổng công ty Lũng Lô... là những đơn vị có kinh nghiệm đào hầm, mở núi nhất nhì Việt Nam.

Trong số các chuyên gia, tôi thấy lạ là có cả Đại tá Nguyễn Hiệp, nguyên Cục phó Cục An ninh kinh tế của Bộ Công an vừa nghỉ hưu. Tôi thắc mắc thì Hoàng bảo: “Để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nếu ai làm sai sẽ được uốn nắn kịp thời”.

Tôi thấy cái cách mà CEO Đèo Cả quản trị công ty - dự án có vẻ khác lạ. Lâu nay, các nhà thầu sợ nhất thi công cho các chủ đầu tư BOT giao thông, vì tiền nợ đầm đìa, thậm chí bị “gửi giá, đi đêm”, còn ở Đèo Cả, nhà thầu được ứng tới 40% giá trị gói thầu. Tại một cuộc họp của Đèo Cả với nhà thầu mà tôi được chứng kiến, Hồ Minh Hoàng nói thẳng: “Như vậy tiền các anh không phải lo, tôi chỉ yêu cầu các nhà thầu phải đảm bảo tiến độ, sự an toàn và chất lượng công trình. Nhưng các anh cũng lưu ý, tiền ứng là để phục vụ công trình, đừng có dùng vào việc khác mà đi tù như chơi”. Lúc này tôi mới hiểu vì sao CEO Hoàng mời cả cựu đại tá công an vào ban cố vấn công ty.

Mới đây, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông nghe đến thanh tra, kiểm toán có vẻ ngại, còn các dự án do Đèo Cả đầu tư, Hồ Minh Hoàng chủ động mời vào làm. “Mình chủ động mời kiểm toán vào, có vấn đề gì họ khuyến nghị để mình làm cho chuẩn. Như thế mới yên tâm”, Hoàng chia sẻ.

14

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm công trường hầm Đèo Cả đầu tháng 5/2016

“An toàn, hiệu quả Đèo Cả đi đầu”

Mới nghe cái khẩu hiệu này, thấy kiêu kiêu. Nhưng để có được slogan đó, cũng là tâm huyết của Hồ Minh Hoàng. Tôi nhớ dịp Tết 2015. Đây là Tết cả ngành GTVT không nghỉ. Theo lịch, ngày mùng 3 Tết, Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ vào kiểm tra công trình Đèo Cả. Trước Tết, Hoàng gặp tôi đề nghị: “Tôi nghĩ mãi không ra cái khẩu hiệu để Tết này Bộ trưởng Thăng vào thăm công trình mình có cái treo cho khí thế. Ông nghĩ hộ tôi”.

Trên đường Hoàng ra về, tôi nhắn tin: “An toàn, hiệu quả Đèo Cả đi đầu”. Hoàng nhắn lại: “Hay”. Thế là Tết đó, khi vào thăm công trường, tôi thấy Hoàng treo khẩu hiệu này nổi bật trước cửa hầm. 

Khi viết slogan đó, tôi nghĩ nếu chưa đạt được thì cũng là câu cửa miệng để Đèo Cả phấn đấu. Nhưng đến giai đoạn này, tôi thấy Đèo Cả không phải ngượng khi treo slogan đó. Đầu tiên về tính kỷ luật, an toàn. Cho đến tháng 8/2016, khi làm lễ thông hầm Đèo Cả vượt tiến độ hai tháng và trước đó là hầm Cổ Mã cũng thuộc dự án này, dù ngày đêm nổ mìn, phá đá, người lao động phải làm việc trong môi trường vô cùng khắc nghiệt, rủi ro, nhưng không xảy ra sự cố nghiêm trọng, chết người. 

Trước đó, tháng 7/2015, khi vào kiểm tra công trường hầm Đèo Cả, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) cũng đánh giá: “Dự án đặt chất lượng lên hàng đầu là điều hết sức đáng mừng. Đặc biệt gần đây, nhiều công trình xây dựng, hạ tầng đã để xảy ra một số sự cố do vấn đề thiết kế, kỷ luật, an toàn trong lao động, nhưng công trình Đèo Cả đã cố gắng đảm bảo an toàn, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc, đây là điểm đáng khen ngợi”.

Còn tính hiệu quả, chưa biết rồi lợi nhuận của chủ đầu tư ra sao, nhưng hiệu quả cho Nhà nước đã nhìn thấy rõ. So với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 15.603 tỷ đồng, sau khi nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế, dự án hầm Đèo Cả đã tiết giảm được hơn 3.600 tỷ đồng. “Sở dĩ tiết giảm được số tiền lớn như vậy, ngoài điều chỉnh thiết kế, Đèo Cả đã chủ động tính toán lại khối lượng, đơn giá vật liệu và quan trọng nhất là không để chậm tiến độ nên không phải dùng 15% vốn dự phòng, không bị trượt giá...”, ông Hoàng cho biết.

Số vốn dư đó, Đèo Cả đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ cho phép được dùng để làm hầm Cù Mông (địa bàn tiếp giáp giữa tỉnh Phú Yên và Bình Định), chiều dài gần 5 km (hơn 2km hầm, còn lại là đường dẫn) tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Thế là Nhà nước có thêm một công trình giao thông mà chỉ phải bù thêm chút xíu vốn.

Cổ nhân dạy, đánh giá về khả năng của một con người đừng vội tin vào những gì anh ta nói, hãy xem những gì anh ta đã làm. Có lẽ hiếm công trình giao thông nào, sau Đại hội XII được cả Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư đến thăm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Việc làm hầm xuyên núi là rất khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, tuy nhiên, các cán bộ kỹ sư và công nhân Việt Nam đã hết sức nỗ lực, thực hiện dự án an toàn và rút ngắn được tiến độ. Đặc biệt dự án này được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa nên đã không làm tăng nợ công, lại còn tiết giảm được hơn 3.600 tỉ đồng là rất đáng biểu dương”. 

Bắt đầu từ số 0. Và sau này, không ai khác, chính Đèo Cả đã được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án hầm số 2 qua đèo Hải Vân. Nay mới 6 tuổi đời, một đứa trẻ mới chập chững vào lớp một, nhưng dưới sự dẫn dắt của CEO Hồ Minh Hoàng, Công ty Đèo Cả đã thành vua đầu tư hầm đường bộ ở Việt Nam, với ba dự án: Hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và hầm số 2 đèo Hải Vân. Nếu tính cả ba dự án, Đèo Cả đã đầu tư hơn 12 km hầm, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.

Trong lần đi Đức, Thụy Sĩ và Monaco tìm hiểu, học hỏi về công nghệ đào hầm nhanh, an toàn, cả đoàn công tác rất ấn tượng với công nghệ làm hầm đường bộ xuyên núi của Monaco. Đất nước nhỏ bé bên bờ Địa Trung Hải này làm hệ thống giao thông ngầm dưới lòng núi, có chỗ đào thành ngã ba, ngã tư chằng chịt rất ấn tượng. Còn Thụy Sĩ, hễ cứ đường phải đi qua núi là làm hầm, nhằm hạn chế việc phá vỡ cảnh quan tự nhiên để bảo vệ môi trường sống. Sau chuyến đi ấy, Hoàng tâm sự sẽ xây dựng hầm Đèo Cả thành công trình giao thông kiến trúc đẹp, thành điểm đến của du khách, xứng với địa danh lịch sử văn hóa, sơn thủy hữu tình này.

Nói là làm, năm 2015, Đèo Cả chi cả tỷ bạc để tổ chức cuộc thi kiến trúc cho khu vực cửa hầm, nhà điều hành, trạm thu phí. Thiết kế phỏng theo cuộc sống của ngư dân làng chài ven biển miền Trung của một công ty thiết kế Pháp được chọn trao giải nhất.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới bài thơ đầu tay Đèo Cả của Hữu Loan, đăng trên Báo Chiến sĩ, ký bút danh là “Hữu” năm 1946, là kết quả chuyến đi thực tế sáng tác của ông. Bài thơ gợi lại cho ta một địa danh Đèo Cả hoang hoải, buồn, nhưng hùng tráng. Bài thơ đã đóng đinh trong lòng người dân đất Việt về một địa danh Đèo Cả không chỉ là một cái tên, mà nó đã thổi hồn.

Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương!
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương
Bên quán “Hồng Quân”
Người ngựa mỏi
Nhìn dốc ngồi than
thương ai lên đường...

Tôi tin, chỉ cuối năm 2017, khi hầm được khánh thành, thêm một lần cái tên Đèo Cả được thổi hồn. Chỉ khác, người thổi hồn lần này không phải nhà thơ mà là một doanh nhân có tâm xây dựng quê hương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.