Chẳng khác gì Twitter
Tỷ phú Mỹ Donald Trump thông báo thành lập nền tảng mạng xã hội “Sự thật” (Truth) vào ngày 21/10.
Ông Trump háo hức, mong chờ ngày được chia sẻ suy nghĩ trên nền tảng Truth sớm nhất và có thể “thách thức thói bạo ngược của các nền tảng mạng xã hội lớn”.
Từ lâu, tỷ phú Trump đã nung nấu tham vọng xây dựng một nền tảng có thể đánh bật Facebook, Twitter... sau khi ông bị các nền tảng này khóa tài khoản ngay trong thời gian còn làm Tổng thống. Nhưng đến nay, tất cả đều thất bại.
Theo hãng tin CNN, mạng xã hội “Sự thật” (Truth) lần này cũng sẽ chung số phận như vậy vì nhiều lý do.
Thứ nhất, Truth gần như không có gì khác biệt so với mạng xã hội Twitter. Dựa trên thông tin giới thiệu ban đầu, nhiều tờ báo của Mỹ như Business Insider đều đánh giá, Truth có giao diện tương đồng với mạng xã hội Twitter.
Ở trang hồ sơ người dùng, Truth cũng có thiết kế ảnh đại diện hình tròn, ngay phía dưới là thông tin tiểu sử, số lượng người theo dõi.
Giao diện mạng xã hội Truth
Trang cá nhân cũng có 4 phần gồm Posts (bài đăng), Replies (phản hồi), Media (ảnh + video) và Likes (lượt thích), tương tự như cấu trúc giao diện của Twitter trên iPhone.
Về tính năng, Truth cũng bao gồm các tính năng cơ bản của một mạng xã hội thông thường như bảng tin Truth Feed, tính năng chỉnh sửa hồ sơ, tìm kiếm bạn bè, nhận thông báo xem ai đang tương tác với bạn bè...
Trong khi đó, mạng Twitter đã có hơn 200 triệu người dùng, số lượng người không thích mạng xã hội này và muốn tìm đến một nền tảng khác, không đáng kể.
Hơn nữa, trên Twitter, ông Trump phải mất 6 năm mới có thể tạo sức ảnh hưởng lớn đến mức có thể sử dụng triệt để vào vận động tranh cử Tổng thống trong thời gian 2 năm 2015-2016.
Nếu ông Trump muốn sử dụng Truth với mục đích tương tự cho cuộc chạy đua Tổng thống 2024 thì có lẽ không kịp vì vị tỷ phú New York không những phải tốn 6 năm để thu hút lượng người theo dõi mà còn phải gây dựng toàn bộ nền tảng từ con số 0 - đây mới chính là vấn đề cần rất nhiều thời gian.
Sức ảnh hưởng của ông Trump đã nhạt nhòa
Thứ hai, phe bảo thủ tại Mỹ đã có khá nhiều mạng xã hội và tất cả đều hoạt động không hiệu quả.
Điển hình như mạng xã hội Parler - từng được mệnh danh là Twitter của phe bảo thủ. Thời điểm sau vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ hồi tháng 1/2021, mạng xã hội này bất ngờ thu hút lượng lớn người tải về nhưng chỉ một thời gian ngắn lại vắng tanh, ít người hoạt động.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, lượt tải Parler đã giảm từ 517.000 (trong tháng 12/2020) xuống còn 11.000 lượt (vào tháng 6/2021).
Từ khóa Donald Trump không còn phủ sóng dày đặc trên truyền thông nên khó có thể tạo đà cho mạng xã hội Truth phát triển
Hay như mạng xã hội Gettr, do trợ lý của ông Trump - Jason Miller thành lập và bị coi là bản sao của Twitter. Chỉ trong vài ngày Gettr hoạt động, tin tặc đã xâm nhập, ăn trộm và công khai địa chỉ thư điện tử của 85.000 người dùng.
Chuyên trang về công nghệ TechCrunch còn nhận định: “Gettr, hệ thống mạng xã hội ủng hộ ông Trump rất nhếch nhách”.
Lý do cuối cùng đó là, Donald Trump không còn là Tổng thống Mỹ. Tuy sức ảnh hưởng của ông với đảng Cộng hòa vẫn rất lớn nhưng từ khi cựu lãnh đạo Mỹ bị cấm tham gia vào Twitter, Facebook và You Tube, mức độ bao phủ thông tin về ông đã giảm đáng kể.
Theo Washington Post, lượng tìm kiếm trên Google về Donald Trump hiện tại đang thấp hơn lượng tìm kiếm ở thời điểm tháng 6/2015. Các hệ thống phát thanh, truyền hình cũng ít đăng tải thông tin liên quan tới tỷ phú Trump.
CNN kết luận, khi Truth ra đời, có thể vẫn có người đăng ký và muốn theo dõi cựu lãnh đạo Mỹ nhưng chắc chắn số lượng đó không đủ lớn để đưa Truth làm nên thành công, đủ sức đánh bật Facebook/Twitter...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận