Nhân viên coi việc chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão như chính người thân của mình |
Phải có tâm và đặt chữ nhẫn lên đầu
“Mẹ ơi, mẹ đi đâu đấy?-Tao đi về nhà tao, mày là ai mà có quyền giữ, có buông ra không kẻo tao cho mấy cái đập bây giờ?- Mẹ đi vào đây ăn cơm đã, muốn về cũng phải ăn xong đã chứ...”. Thấy tôi nán lại quan sát, một nhân viên tại Trung tâm Dưỡng lão Tuyết Thái (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Đó là mẹ Hải, vừa vào trung tâm từ hôm qua lại hơi bị lẫn nên vẫn phải chiều ý một chút”. Tiếp theo đó, một nữ nhân viên vừa đẩy xe cho một cụ già tới bàn ăn vừa nở nụ cười tươi với một cụ bà khác ngồi đối diện: “Sao mẹ Oanh ra đây mà lại không rủ mẹ Liễu đi theo với, lại để mẹ ấy ở một mình trong phòng?... Bố Thái ơi sao ngồi im thế, đọc truyện Kiều cho con nghe đi: Ngày xuân ...gì ấy nhỉ”. Chị là Lê Thị Thu Thủy, Y tá trưởng mới về trung tâm được gần 1 năm nay.
Nói về nơi mình chọn để gắn bó khi trở về sau hơn 5 năm sang Đài Loan làm điều dưỡng, chị Thủy chia sẻ: Trung tâm đang chăm sóc gần 70 cụ, trong số này số cụ còn minh mẫn, tự chăm sóc vệ sinh cá nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. 70 cụ là 70 tính nết khác nhau, nhiều khi lại như con trẻ, dễ giận dễ khóc... nên nhân viên chăm sóc cũng phải thật tinh tế để lựa mà theo. “Chúng tôi đều thấu hiểu người già khi vào đây đều phải xa gia đình nên tự dặn nhau cần phải tạo cảm giác thân thiện; gọi các cụ là bố, mẹ và xưng con để họ thấy thoải mái như đang ở nhà mình bên con cháu vậy”, chị Thủy nói và cho biết thêm: “Tâm lý của các cụ mới vào trung tâm bao giờ cũng nghĩ bị con cháu bạo ngược bỏ rơi”.
"Hơn 3 năm trước, sau khi đã chủ động bàn bạc, thống nhất với con cháu trong nhà, tôi cùng vợ quyết định vào sống tại viện dưỡng lão. Như thế con cháu cũng yên tâm công tác, làm việc còn người già như chúng tôi lại được chăm sóc chu đáo. Mỗi sáng, đều có bác sỹ tới tận phòng hỏi han và thăm khám sức khỏe; mỗi lần ốm đau, tai biến đều được xử lý thuốc men tại chỗ... Đó là những thứ mà nếu ở nhà chắc chắn con cháu không thể chu toàn được. Tóm lại về lý thì hợp song còn về tình phần nào cũng bị thiếu hụt khi phải tách biệt với gia đình, họ hàng, bạn bè thân cận... " Cụ Nguyễn Khải |
Nhà xa nên chị Thủy ngủ lại luôn tại trung tâm. Dù giờ làm chính thức bắt đầu từ 7h sáng nhưng thực tế, công việc của chị Thủy dường như không có giới hạn với rất nhiều việc không tên. Từ 5h sáng, chị đã cùng kíp trực đêm hôm trước lao vào việc vệ sinh cá nhân, thay ga đệm cho các cụ; chuẩn bị dụng cụ tập thể dục; phục vụ bữa ăn sáng; phát thuốc; trị liệu... Cứ như thế, công việc cuốn những nhân viên như chị Thủy tới trưa rồi tới tối. Hễ có lúc nào rỗi rãi, họ lại tranh thủ ngồi trò chuyện với “các bố, các mẹ”. Ngay cả ban đêm, cũng đã thành thói quen, cứ 2 tiếng chị Thủy lại thức dậy một lần đi thăm từng phòng các cụ xem có chuyện gì xảy ra hay không rồi mới yên tâm trở về phòng ngủ lại. “Cơ thể mình cứ như đồng hồ cài sẵn, đến giờ là thức dậy, mà cũng không thấy mệt nhọc, áp lực, trái lại khi chăm sóc các cụ mình còn thấy khỏe ra”.
Nữ y tá trưởng khẳng định, đã làm nghề này thì tuyệt nhiên không bao giờ được phép suy nghĩ theo lối “khác máu tanh lòng”, vậy nên chỉ cần các cụ bị xây xát chân tay, nhân viên cũng thấy xót xa. Chăm sóc các cụ từng ly, từng chút là vậy nhưng nhiều lúc nữ nhân viên cũng không tránh khỏi tủi thân, nuốt nước mắt vào trong. “Tính nết người già nóng giận bất thường, chỉ cần một hành động không vừa ý là bị phản ứng ngay, thậm chí không ít cụ còn ngoa ngoắt chửi rủa thậm tệ, “cho ăn” cái nọ cái kia ngay. Có những cụ bị tâm thần, dễ bị kích động nên chuyện nhân viên chăm sóc bị cấu cắn, đánh tát là thường xuyên. Hung dữ vậy thôi chứ sau đó lại hiền từ cười nói dễ thương như trẻ con vậy”, chị Thủy chia sẻ.
Theo tìm hiểu, người già được gửi tới trung tâm dưỡng lão đa phần đều mắc những chứng bệnh cần phải được chăm sóc đặc biệt. Nhẹ là lẫn trí, trường hợp nào nặng thì dường như chỉ còn sống thực vật, ăn uống, vệ sinh tại chỗ. “Cụ bệnh nhẹ thương 1 thì cụ bệnh nặng mình thương gấp 10. Quả thực làm nghề này nếu không có tâm, chữ nhẫn đội trên đầu thì không thể làm được”, chị Thủy bùi ngùi cho hay. Vất vả là vậy, song thu nhập của nhân viên tại các trung tâm dưỡng lão bình quân còn không bằng lương công nhân dù hầu hết họ đều có bằng cấp đào tạo về ngành y dược. “Thu nhập không phải là yếu tố quyết định, chúng tôi coi việc chăm sóc người già như làm phúc để đời vậy...”, chị Thủy nói.
Bố mẹ mình cũng không chăm sóc được như thế
Nhắc tới những ngày đầu vào làm công việc điều dưỡng, chăm sóc vệ sinh cho người già tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Thiên Niên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Sau khi làm vệ sinh, lau rửa cho các cụ, cả một tuần đầu tôi không thể nào ăn được cơm trong giờ nghỉ trưa”. Công việc vất vả chịu nhiều áp lực, không phải ai cũng có thể trụ lại được. Vậy mà tới nay, chị Nhung cũng đã gắn bó với trung tâm được gần 10 năm. “Nhiều khi chăm cụ yếu còn dễ hơn chăm cụ tỉnh táo. Bởi với những cụ yếu, mình hầu như chỉ cần chăm sóc bằng sức để nâng đỡ, lau dọn..., với những cụ tỉnh táo còn yêu cầu nhân viên phải có kỹ năng, chỉn chu từ lời ăn tiếng nói”, chị Nhung chia sẻ và ví von: “Người ta thường bảo người già như trẻ con nhưng nếu với cô giáo mầm non, trẻ hư có thể đe nạt uốn nắn, còn nghề này thì chúng mình lại là đối tượng bị các cụ uốn nắn, phải lựa theo mà làm. Thế nhưng đôi khi dù đã cố hết khả năng song cũng không thể hài lòng hết tất cả mọi người”.
Được biết, mức phí cho mỗi người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão hiện dao động từ 6-14 triệu đồng/tháng. Mức phí chênh lệch chủ yếu từ tiền phòng đông hay ít cụ ở, còn tất cả các đối tượng đều được chăm sóc như nhau. “Đầu giường mỗi cụ đều có gắn bảng kẹp thông tin theo dõi các chỉ số sức khỏe trong 24h. Tới ngày hôm sau ca trực sẽ giao ban và cập nhật vào sổ bệnh án. Bất kể tình trạng nặng nhẹ, dù chỉ là vết trầy xước hay những cơn đau đầu, sốt nhẹ, thậm trí màu nước tiểu có bị đỏ đục hay không, cũng sẽ được nhân viên chăm sóc để ý ghi nhận và báo cáo lại”, chị Nhung cho hay. Theo đó, tất cả sự thay đổi về sức khỏe của người cao tuổi trong mỗi ngày sẽ được trung tâm thông báo tới người nhà kèm theo phương pháp điều trị. Nếu phía gia đình không đồng ý với phương pháp điều trị tại trung tâm thì người cao tuổi sẽ được chuyển ra bệnh viện chuyên ngành để chăm sóc.
“Vẫn nghĩ các cụ như bố mẹ của mình nhưng thật tâm, chúng tôi vẫn nói với nhau bố mẹ đẻ mình cũng không được chăm sóc như thế. Ấy vậy mà xã hội bây giờ vẫn nghĩ con cái bất hiếu mới đưa bố mẹ vào trung tâm”, chị Nhung nói và thật thà cho hay: “Sau này nếu nhà em có điều kiện, bố mẹ về già mà bị lẫn, chắc chắn em sẽ đưa các cụ vào viện dưỡng lão. Ngay cả bản thân mình về già cũng sẽ chủ động bảo con cháu cho vào đó để được chăm sóc, hưởng thụ cuộc sống thanh thản, an vui...”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận