Tiếp viên tàu SE3/4 Đỗ Thị Kim Oanh cùng trưởng tàu trao trả đầy đủ tài sản cho hành khách Nguyễn Ngọc Phong |
Nhặt được của rơi trả người đánh mất
Chuyến tàu SE4 xuất phát tại Ga Sài Gòn lúc 22h đêm 1/3. Sáng sớm 3/3, tàu về đến Ga Hà Nội lúc 5h35. Sau khi hoàn thành tác nghiệp tiễn hành khách, trong lúc dọn dẹp, tiếp viên Đỗ Thị Kim Oanh (Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam) phát hiện có một túi màu xanh đen của hành khách để quên, báo cáo trưởng tàu để tiến hành kiểm tra, lập biên bản. Qua kiểm tra, bên trong có các tài sản cá nhân, giấy tờ, tiền mặt trị giá 13,8 triệu đồng và một hộ chiếu mang tên Nguyễn Ngọc Phong. Tổ tàu đã tìm cách liên hệ với hành khách và rất nhanh chóng, ngay 7h sáng hôm đó, hành khách Nguyễn Ngọc Phong đã được trao lại đầy đủ tài sản.
Anh Phong cảm động: “Số tiền tuy không lớn nhưng các giấy tờ rất quan trọng. Tôi rất cảm ơn các anh chị nhân viên trên tàu đã hết lòng phục vụ hành khách”.
Chị Oanh kể, sáng hôm đó, khi hành khách đã xuống hết, trong lúc một mình dọn đồ vải, chị phát hiện túi xách anh Phong bỏ quên. Ngay lúc ấy, chị nghĩ phải trả ngay cho người bỏ quên, mình mất đồ tiếc thế nào, người ta cũng vậy, nên không băn khoăn, chị lập tức báo cáo trưởng tàu.
Đó chỉ là lần gần nhất mà chị Oanh còn nhớ trong nhiều trường hợp chị đã phát hiện, trả lại tài sản cho khách trong suốt những năm làm tiếp viên phục vụ hành khách trên tàu. Chị đã nhiều lần được đơn vị khen thưởng gương người tốt việc tốt vì đã phát hiện, trả lại tài sản hành khách bỏ quên cũng như trong phục vụ, giúp đỡ hành khách tận tình, được hành khách gửi thư khen. Chị tâm niệm, “giúp người không mong hàm ơn” nên dù nhiều lần hành khách tặng tiền, quà gọi là cảm ơn, chị đều từ chối.
Chị chia sẻ: “Có gì to tát đâu, đó là trách nhiệm của nhân viên đường sắt như mình, vả lại ai trong trường hợp đó cũng sẽ xử sự như vậy thôi”.
Phục vụ hành khách từ tâm
Hơn chục năm rong ruổi trên những con tàu vào Nam ra Bắc, chị Oanh không còn nhớ đã bao cái Tết xa nhà, đón Tết dọc đường. Chị cũng không còn nhớ đã bao ngày 30 Tết phải xách vali ra ga đi tàu và mùng 3, mùng 4 Tết mới có mặt ở nhà. Chị bảo: “Mãi rồi quen, không còn cảm giác trông ngóng ngày lễ, Tết nữa vì vẫn phải đi tàu bình thường. Ngày mọi người được nghỉ, đi chơi thì lại là ngày đông khách, những nhân viên đường sắt như mình phải căng sức phục vụ”.
Nhưng từ khi có cô con gái nhỏ, chị càng thấm thía nỗi buồn những ngày lễ, Tết. Cô công chúa đang học lớp 1 còn nhỏ quá, lại quấn mẹ, cứ thấy mẹ xách vali đi là phụng phịu: “Sao mẹ đi hoài vậy?”...
Với sự tận tâm trong công việc, trong phục vụ hành khách, chị Đỗ Thị Kim Oanh nhiều năm liền được anh em tổ tàu, lãnh đạo tín nhiệm bình bầu và đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Phụ nữ Hai giỏi xuất sắc. Chị cũng được Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam giới thiệu là cá nhân điển hình tiên tiến tham dự Hội nghị biểu dương CNLĐ xuất sắc ngành GTVT năm 2016 sẽ được tổ chức vào tháng 5/2017. |
Gác lại tình cảm gia đình, để đứa con nhỏ ngóng mẹ ở nhà cho chồng, chị đi “làm dâu trăm họ” nhưng nào có dễ. Vất vả, cực nhọc của nghề đã đành, mấy chục tiếng trên tàu, khi thì tiễn khách, khi đón khách, nào lau chùi, vệ sinh toa xe sao cho sạch sẽ, rồi đi mời khách dùng bữa, cứ gọi là luôn chân, luôn tay... Đến giấc ngủ cũng tranh thủ, chập chờn, lắc lư theo nhịp bánh sắt. Nhưng mệt mỏi mấy, chị vẫn ý thức phải cố tập trung phục vụ hành khách tận tình, chu đáo. Luôn mềm mỏng, tươi cười khi tiếp xúc với hành khách, rồi giúp hành khách mang vác hành lý lên xuống tàu hay hướng dẫn hành khách nhiệt tình khi khách cần...
Tuy nhiên, cũng không ít hành khách thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, không giữ gìn vệ sinh chung hay để con nhỏ nghịch ngợm, làm hỏng đồ trang trí trong khoang như bình hoa... Có nhẹ nhàng góp ý thì họ tỏ thái độ khó chịu, nói những lời khó nghe. Đó là chưa kể có những hành khách nóng tính hoặc nhậu xỉn, hay hoạnh họe, to tiếng vô lý với nhân viên. Những lúc đó, chị bình tĩnh để xử trí, kiên nhẫn giải thích nên đa số được hành khách hiểu, thông cảm hơn.
Chị tâm sự, cũng bức xúc lắm nhưng bù lại, có những lúc được hành khách trên tàu khen, chia sẻ, động viên nên lại thấy vui, như được tiếp thêm động lực để cố gắng hơn. Chị hồ hởi kể: “Dịp Tết cách đây mấy năm, có cụ đi tàu một mình nên sinh hoạt trên tàu cũng vất vả. Mình thấy vậy nên giúp cụ được gì là mình giúp, kể cả lấy nước sôi ăn bát mỳ tôm. Đâu ngờ, cụ cảm động, về viết thư cảm ơn gửi lãnh đạo nên mình được khen thưởng cấp ngành”.
Khi hỏi về chị Đỗ Thị Kim Oanh, Trưởng tàu SE3/4 Hoàng Ngọc Thành cho biết: “Đã giao việc cho chị Oanh là rất yên tâm. Vì chị có nhiều năm kinh nghiệm công tác, lại gương mẫu, tự giác trong công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được hành khách khen ngợi. Chị cũng rất hòa đồng với đồng nghiệp...”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận