Công ty Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) đã thông báo cho cán bộ, công nhân viên công ty là không có thưởng Tết. Hiểu được tình cảnh khó khăn, người lao động cũng chia sẻ và không đòi hỏi gì
Lao động xuất sắc được thưởng gần 80 triệu đồng
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho biết, năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song công tác chăm lo đời sống cho người lao động vẫn được duy trì ổn định, đặc biệt là chế độ thưởng Tết.
Chế độ thưởng Tết căn cứ theo mức độ hoàn thành công việc trong năm của từng vị trí khác nhau. Mức thấp nhất mà người lao động được hưởng là 1,5 tháng lương, tương đương khoảng 25 triệu đồng, những người đạt danh hiệu lao động xuất sắc sẽ được thưởng 5 tháng lương, gần 80 triệu đồng.
Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là Tập đoàn CIENCO4 cũng đã “chốt” xong con số thưởng Tết Tân Sửu.
Ông Phan Đức Hữu, Chủ tịch Công đoàn CIENCO4 cho biết, đối với cán bộ, công nhân viên thuộc cơ quan Tập đoàn sẽ được thưởng 2 tháng lương/người (khoảng 40 triệu đồng/người). Với các đơn vị thành viên bên dưới, mỗi cán bộ, công nhân viên sẽ nhận thưởng 1 tháng lương (khoảng 20 triệu đồng/người).
“Đối với các dự án, công trình do Tập đoàn thi công ở khu vực phía Nam, ngoài tiền thưởng Tết, Tập đoàn còn mua vé máy bay cho cán bộ, kỹ sư về quê ăn Tết và thuê xe giường nằm để đưa công nhân về quê dịp trước nghỉ Tết và đón trở lại công trường ngay sau dịp nghỉ Tết”, ông Hữu cho biết.
Trong lĩnh vực tư vấn giao thông, ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long cho biết, đơn vị sẽ thưởng Tết dựa trên hiệu suất công việc ở từng vị trí, mức tối thiểu là 2 tháng lương, khoảng 15 - 20 triệu đồng/người.
Không giống mô hình của nhiều doanh nghiệp xây dựng cơ bản thông thường, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lại có cơ chế riêng về thưởng Tết.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI nói: “Chúng tôi áp dụng cơ chế khoán. Theo đó, dịp Tết Tân Sửu, mỗi cán bộ, người lao động của TEDI đều nhận được một khoản tiền chung là 5 triệu đồng/người. Còn lại, căn cứ trên hiệu quả việc làm ở từng vị trí, từng bộ phận sẽ phân bổ nguồn tiền từ định mức khoán công việc còn dôi dư”.
Vận tải gặp khó, người lao động hiểu và chia sẻ
Ở chiều ngược lại, sau một năm phải vật lộn với quá nhiều khó khăn, đa phần các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải không dễ để lo được khoản thưởng Tết cho người lao động như mọi năm.
Anh Nguyễn Vinh Quang, lái xe Công ty CP thương mại và du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) chia sẻ, khác với mọi năm, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo thưởng Tết từ công ty.
Hàng năm công ty thưởng Tết tính theo thâm niên công tác, người công tác lâu sẽ được thưởng nhiều, thông thường lái xe được thưởng khoảng 5 - 10 triệu đồng. “Ai cũng mong chờ khoản tiền thưởng Tết, nhưng năm nay rất khó khăn, giả sử nếu không có thưởng, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ với công ty”, anh Quang nói.
Khá e dè khi nói tới chuyện thưởng Tết, anh Trần Thanh Huy, lái xe cho hãng taxi Mai Linh tại TP HCM cho biết, năm ngoái tầm này đã có thông báo thưởng Tết, những lái xe từ một năm trở lên được công ty thưởng 2 triệu đồng. Nhưng năm nay tới giờ vẫn chưa thấy có thông tin gì.
“Lái taxi không giống các ngành khác, thu nhập được tính theo tỷ lệ ăn chia tiền cước với công ty nên tiền thưởng cũng không được tính theo tháng lương hay tháng thu nhập. Năm nay khó khăn nên cũng chẳng dám mong có thưởng”, anh Huy chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Sao Việt cho biết, những năm trước, doanh nghiệp còn thưởng cho cán bộ, lái xe tháng lương thứ 13 (khoảng hơn 10 triệu đồng). Với những cá nhân xuất sắc còn được thưởng thêm 5 - 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay doanh thu vận tải giảm mạnh, chỉ bằng 60% so với năm 2019 nên công ty chỉ đủ để chi trả lương cho người lao động và các chi phí đầu vào, không có lãi, thậm chí là lỗ khi phải trả lãi ngân hàng.
“Giữ được công ăn việc làm cho người lao động đã là thành công, không dám nghĩ đến thưởng Tết. Chúng tôi đã thông báo cho cán bộ công nhân viên công ty là không có thưởng Tết. Hiểu được tình cảnh đó, nên người lao động cũng chia sẻ và không đòi hỏi gì”, ông Bằng nói.
Cùng tình cảnh, ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Hạ Vinh (Nghệ An) chia sẻ: “Nghe bạn nói đến thưởng Tết lại “giật mình”. Nay thưởng Tết chúng tôi vẫn chưa dám tính tới. Đây là vấn đề khó khăn, khiến chúng tôi đang rất đau đầu”. Mọi năm người lao động còn được thưởng thêm tháng lương thứ 13, năm nay thưởng Tết cũng phải có nhưng cũng sẽ chỉ thưởng mang tính động viên. Tuy nhiên, để có tiền thưởng ban lãnh đạo công ty tự bỏ tiền nhà để thưởng”.
Khá hơn đôi chút là các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải biển tuyến nội địa, mức thưởng Tết cũng tính bằng vài trăm nghìn đồng. Anh Trần Văn Nam, thuyền viên tại Công ty CP Vận tải biển Trường Xuân (Thái Bình) chia sẻ, trong bối cảnh biến động chung của khối thuyền viên, năm nay, mức lương thủy thủ của anh được tăng từ 9,5 triệu lên hơn 10 triệu đồng.Tuy nhiên, hơn 3 năm nay làm việc tại doanh nghiệp này, thưởng Tết chỉ là suất quà trị giá 500.000 đồng.
Ông Đặng Hồng Trường, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết, năm 2020, do biến động trong thị trường thuyền viên, để giữ chân người lao động, công ty đã tăng lương cho hầu hết các chức danh.
Trong đó, chức danh thấp nhất là thủy thủ tăng từ 12 triệu lên 14 triệu đồng. Về mức thưởng Tết, năm nay, giá cước vận tải thấp, nguồn hàng thiếu ổn định khiến doanh thu của các công ty vận tải nói chung giảm sâu.
Tại Vosco, nếu mọi năm quỹ thưởng Tết cho thuyền viên khoảng nửa tháng lương thì năm nay chỉ cố gắng bố trí hỗ trợ được khoảng 5 triệu đồng/người (đối với khoảng 300 thuyền viên đang lao động trên 12 tàu), khoảng 2 triệu đồng/thuyền viên (đối với thuyền viên trên bờ).
Dù khó khăn vẫn cố lo thưởng Tết
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cục Hàng hải VN cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm 2021, các đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải VN đã tiến hành trả lương tháng 1/2021 đầy đủ và tạm ứng trước lương tháng 2/2021 cho CNVCLĐ để đón Tết cổ truyền. Với những đơn vị quản lý hành chính và sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng hải VN, ngoài tiền lương còn có khoản thưởng Tết (từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên) dự kiến là 6.200.000 đồng/người (tăng so với năm 2020 là 200.000 đồng/người).
Về phía doanh nghiệp dịch vụ sự nghiệp công, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ - Lao động, Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, năm 2020, các khối dịch vụ thuộc đơn vị, đặc biệt là khối bảo đảm hàng hải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Về mức thưởng Tết năm 2020, do quá trình nghiệm thu, quyết toán dịch vụ công ích chưa hoàn thành nên đơn vị chưa chốt số liệu để chia thưởng. Tuy nhiên, dự kiến, Tổng công ty sẽ duy trì mức thưởng tương đương năm trước.
Với ngành đóng tàu thủy, theo ông Trần Bá Thành, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, đa số các đơn vị vẫn chăm lo Tết cho người lao động. Đơn vị cao thì chi trả thêm tháng lương thứ 13, đơn vị nào khó khăn hơn thì lo quà Tết với mức khoảng 2 - 3 triệu/người. Đơn vị chi trả tháng lương thứ 13 cao nhất là 12 triệu đồng/người.
Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho biết, do doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa từ lâu nên không ảnh hưởng bởi nợ xấu thời Vinashin. Vì vậy, ngoài chi trả lương, công ty vẫn thưởng Tết cho người lao động, mỗi người được hơn 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Truyền, kĩ sư điện tàu thủy Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hạ Long thì phấn khởi chia sẻ: “Mọi năm, tôi được khoảng 6 - 6,5 triệu. Năm nay nếu đạt loại A sẽ được khoảng 10 triệu. Cả công ty cũng được 60 - 70% đạt loại A. Dịch bệnh thế mà được thưởng Tết cao hơn, ai cũng phấn khởi”.
Nhóm phóng viên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận