TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, ngày Tết là một dịp giúp đoàn tụ và mang lại rất nhiều niềm vui. Tuy nhiên, các món ăn ngày tết lại chứ nhiều đường, chất béo, chất đạm hoặc bia rượu lại có thể khiến bệnh tiểu đường nặng nề hơn.
BS. Sơn khuyến cáo, người bị bệnh tiểu đường cần kiểm soát chế độ ăn vì bệnh tiểu đường chỉ có cách kiểm soát duy nhất là chế độ ăn kết hợp với các thuốc hạ đường huyết để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Người bị bệnh tiểu đường ngoài việc ăn kiêng còn cần ăn uống đúng giờ, ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh việc đường huyết tăng cao sau khi ăn, hay đường huyết tụt quá thấp do khoảng cách giữa các bữa ăn kéo dài.
Các món ăn ngày tết lại chứ nhiều đường, chất béo, chất đạm hoặc bia rượu có thể khiến bệnh tiểu đường nặng nề hơn
Những thực phẩm cần tránh trong ngày tết
Theo BS. Sơn, người bệnh tiểu đường cần tránh xa các thực phẩm giàu chất đường hấp thu nhanh như bánh chưng, bánh tét, xôi chè, bánh mứt kẹo, hoa quả sấy khô (mít khô, vải khô, nhãn khô); Những thực phẩm giàu chất béo: thịt mỡ, thịt đông, giò thủ, nội tạng động vật, các món xào rán…
Nên hạn chế rượu vì rượu có thể thúc đẩy hạ đường huyết trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.
Các thực phẩm sau cũng cần hạn chế như cơm, mì xào, hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, các loại khoai (khoai lang, khoai mì...), bánh qui, trái cây ngọt.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, bánh mì đen, bánh mì nguyên cám; Các loại rau không chứa tinh bột: cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi… Ăn nhiều trái cây, rau, đậu, ngũ cốc không chỉ cung cấp cho cơ thể một lượng đường hấp thu chậm mà còn cung cấp chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Kiểm soát bệnh tiểu đường trong dịp Tết
Để tránh nguy cơ tăng đường huyết, bảo vệ sức khỏe tốt hơn, người bệnh tiểu đường nên đo đường huyết mao mạch ít nhất 2 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn sáng và tối. Ngoài ra bệnh nhân cũng nên đo đường huyết mao mạch thêm khi có các biểu hiện của hạ đường huyết (đói, mệt, vã mồ hôi…), hoặc tăng đường huyết (uống nhiều, tiểu nhiều, đau đầu..).
Vào những ngày Tết, bữa ăn chính của nhiều gia đình thường bị đảo lộn như: tiếp khách, ăn vặt nhiều, không ăn, ăn trễ, ăn sau đêm giao thừa, trước khi đi ngủ …. Người bệnh tiểu đường nên kiên trì chế độ ăn lành mạnh, ăn uống đúng vào thời gian cố định như ngày bình thường, không nên ăn theo sự thay đổi bữa ăn của gia đình.
Bên cạnh đó, tập thể dục giúp người mắc tiểu đường tăng sự trao đổi chất, cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin, sự hấp thu glucose vào cơ và các cơ quan, điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Rau xanh không thể thiếu trong bữa ăn bởi đây là loại thực phẩm có lượng calo thấp, giàu chất xơ, ít tinh bột giúp no lâu.
"Lịch sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết thường bị xáo trộn khiến người bệnh quên uống thuốc, tiêm insulin hoặc có tâm lý “kiêng” uống thuốc vào ngày Tết sẽ làm lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, tăng đột ngột gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đầy đủ, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ để giữ đường huyết ổn định", BS. Sơn thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận