Cuối chiều 20/10, tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... đồng chủ trì hội nghị trao đổi, đánh giá kết quả triển khai hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ quý III, năm 2023.
Một trong những nội dung nổi bật được đưa ra thảo luận tại hội nghị là triển khai đường Vành đai 4, đường Vành đai 3, hệ thống giao thông kết nối liên vùng…
Về đường vành đai 4 và hệ thống giao thông kết nối liên vùng, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các tỉnh, thành phải thống nhất về quy mô, kỹ thuật và đặc biệt là nguồn vốn, cơ chế.
Về vốn triển khai đường vành đai 4, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ thống nhất xin cơ chế giống như vành đai 3 (trung ương hỗ trợ, nhà nước được góp vốn trong dự án BOT từ 50 - 70%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cần có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa để đẩy nhanh các dự án kết nối vùng.
Về xây dựng quy hoạch, các địa phương cũng cần có sự liên kết và quy hoạch từng tỉnh, thành phải dựa trên định hướng phát triển chung của vùng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các địa phương cùng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm, cùng đua tiến độ triển khai dự án vành đai 3 TP.HCM, đồng thời đảm bảo tiến độ triển khai đường vành đai 4. Tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Ngoài ra các địa phương trong vùng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương đầu tư đoạn 15,3km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu (đi trùng với đường vành đai 3 TP.HCM) theo hình thức đầu tư công để khai thác đồng bộ khi đưa vào khai thác đường này (dự kiến năm 2026).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận