Xã hội

Vùng vẫy giữa “rốn lũ” cứu trợ, cứu nạn

22/10/2020, 15:44

Một ngày, phóng viên Báo Giao thông cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cứu trợ, cứu nạn giữa vùng “rốn lũ”.

img
Công an huyện Quảng Ninh đưa bà Trần Thị Vĩnh (70 tuổi) đi bệnh viện an toàn

Sáng sớm 20/10, tại trụ sở UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, nhiều phương tiện chở theo nhu yếu phẩm như: nước, mì tôm, bánh, sữa, lương khô… đang tập kết. Rất đông lực lượng chức năng, người dân đang khẩn trương bốc hàng hóa, nhu yếu phẩm lên các ca nô, thuyền bơ nan, cole, thuyền nhôm nhỏ để chuyển đến người dân vùng cô lập.

Sau khi tiếp cận đoàn, tôi được một chiến sĩ công an cho lên cano đi đoàn cùng đến vùng "rốn lũ".

Trời vẫn mưa nhỏ, chiếc ca nô bắt đầu nổ máy và cứ thế tiến ra vùng mênh mông nước bạc trắng xóa chảy xiết, thỉnh thoảng mới thấy ít ngọn cây nhô lên mắt nước. Trên đường đi, cano vướng vào nhiều dây điện bắc qua, các chiến sĩ phải dùng cây chống, mới luồn qua được. Có lúc, cano vướng vào cây lớn, khựng lại một lúc, các chiến sĩ xoài mình đánh lái mới vượt qua được.

img
Công an huyện Quảng Ninh cứu trợ bà con ở xã Duy Ninh

Trung tá Nguyễn Khánh An - Phó trưởng Công an huyện (Trưởng đoàn) chỉ tay về hướng Tây nói: “Con sông Long Đại bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, còn phía Nam là sông Kiến Giang chảy nước qua huyện Lệ Thủy, 2 con sông này gặp nhau ở ngã ba Trấn Xá hợp thành sông Nhật Lệ đổ ra biển. Khu vực các xã Duy Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh, Hàm Ninh là vùng “rốn lũ” thường bị ảnh hưởng bởi vùng hạ lưu 2 con sông này”.

Hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào tới đầu xã Duy Ninh, toàn xã bị nước lũ bủa vây ngập trắng, nhà chỉ nhìn thấy nóc, cây cối chỉ thấy ngọn. Mực nước nơi đây sâu khoảng 1-2m, thậm chí có chỗ 3-4m. Một số ngôi nhà hai tầng trở thành nơi tránh lũ của nhiều hộ dân lân cận.

Ca nô tiến đến xóm Duy Ninh, lúc này Trung tá An thổi một hồi còi dài ra hiệu cho bà con tiếp nhận hàng cứu trợ. Như mặc định, bỗng nhiên ở trên các nóc nhà có nhiều tiếng vọng ra “các chú cứu trợ ơi! có chúng tôi đây!”.

Ngay lập tức Trung úy Hoàng Quang Vũ lái chiếc ca nô ép sát mái nhà rồi dừng lại. Đại úy Hoàng Thanh Bảo Duy, Đại úy Nguyễn Văn Dương, Đại úy Nguyễn Trung Hiếu, Trung úy Nguyễn Văn Hải cùng ân cần, đều tay trao những gói hàng cứu trợ tận tay người dân.

Bà Đỗ Thị Vân cầm gói quà trên tay rung rung nói “cảm ơn các chú, 3 ngày nay gia đình chúng tôi hết nước ăn uống đành phải lấy nước lũ dùng, khổ lắm”.

Đi vào sâu các thôn xóm, tiếng còi của đoàn cứu hộ lại vang lên và giọng bà con mỗi lúc một nhiều hơn. Nhà nào ngập ít thì người dân lội bộ ra cửa, đầu ngõ nhận quà. Chỗ ngập sâu, người dân trèo lên mái tôn, dỡ ngói chui lên, hoặc bám lấy cây chuối bơi ra nhận hàng.

Ông Phạm Văn Bảo tươi cười nói: “Bà con chúng tôi sống ở vùng lũ quen rồi, có hàng cứu trợ, dù ít hay nhiều cũng đều chia sẻ cho nhau, đồng cam cộng khổ chú ạ”.

Đang cứu trợ, bỗng nhiên Trung tá An nghe cuộc điện thoại của người dân nhờ cứu hộ khẩn cấp bà Trần Thị Vĩnh (70 tuổi) trú tại thôn Trung Quán đang lên cơn co giật. Ngay lập tức, ca nô di chuyển về thôn Trung Quán điều động thuyền đưa mệ Vĩnh đi bệnh viện kịp thời.

img
Công an huyện Quảng Ninh đưa cụ bà Nguyễn Thị Dừa (86 tuổi) đi sơ tán an toàn

12h45, rời khỏi xã Duy Ninh, Đoàn đến xã Hiền Ninh tiếp tục cứu trợ. Sau đó, trên đường đi, anh em tranh thủ ăn vội cái bánh chưng, miếng lương khô.

Đại úy Duy bộc bạch chia sẻ: “Ba ngày nay, anh em chúng tôi chưa được bữa cơm nào, sáng đi sớm, tối mịt mới về, đến đêm thì phải trực cứu hộ, cứu nạn. Dù vất vả nhưng chũng tôi luôn hết mình với bà con”.

Trung tá An vừa kể lại: “Tối ngày 19/10 có 3 người đi trên một chiếc thuyền bị lật, 2 người lên được còn anh Nguyễn Văn Nam (SN 1978, trú tại xã Duy Ninh, làm việc tại Đà Nẵng, về quê giúp cha mẹ chống lũ) bị mất tích. Lực lượng cứu nạn được huy động tìm kiếm nhiều giờ trong đêm. May mắn, anh Nam trôi dạt, vướng vào dây điện rồi được chiếc đò đi qua cứu sống”.

Tiếp đến, Đoàn điều khiển cano ra xã Hiền Ninh nhận hàng cứu trợ từ xe của một người dân Hà Nội rồi lại luồn lách qua nhiều hàng cây, đường làng vào xã Tân Ninh. Đường đi vào hai bên là cây, hàng rào, phía trên đầu là dây điện cứ va đập vào người các chiến sĩ, nhưng hình như với họ việc này là đương nhiên, nên không mảy may bận tâm.

Bỗng dưng nghe tiếng cộp, cộp chấn động mạnh, do vướng vào thành cống thoát nước, anh em trên ca nô chao đảo suýt văng xuống nước. Rồi chiếc ca nô mắc kẹt tại đó. Lúc này, Đại úy Dương và Đại úy Hiếu nhảy xuống dòng nước chảy xiết ngập hơn nửa người hì hục đẩy khoảng 15 phút thì mới giải phóng được phương tiện, tiếp tục hành trình.

Từ cuộc điện thoại gọi thất thanh của môt người phụ nữ, Đoàn tiếp tục đến nhà cụ Nguyễn Thị Dừa (83 tuổi, trú tại thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh) để đưa cụ đi cấp cứu. Ngôi nhà nằm ở vị trí nước chảy xiết, ngập khoảng 2m. Trung tá An, Đại úy Duy, Đại úy Hiếu, Trung úy Vũ ở trên ca nô dùng dây thừng cột vào phao, Đại úy Dương; Trung úy Hải bơi vào nhà cách khoảng 10m nước, cõng cụ bà bám vào phao, rồi được mọi người kéo lên ca nô. Cả Đoàn thở phào nhẹ nhõm, đến 17h30 đưa cụ bà vào bờ an toàn.

Lúc này, ai cũng đói và mệt, nhưng phấn khởi vì đã phát được hàng trăm phần quà, giúp được nhiều người dân đi cấp cứu kịp thời, hạn chế được thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Chung tay cùng Báo Giao thông cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung

Những ngày qua, khúc ruột miền Trung đã phải hứng chịu mưa lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân đang rất cơ cực.

Hàng chục nghìn người phải di dời khỏi nơi ở, hàng trăm nghìn người đang bị lũ chia cắt, cô lập, bủa vây, thiếu thốn lương thực, thuốc men và luôn bị uy hiếp mất đi cơ hội sống.

Với truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", Báo Giao thông phát động chương trình “Chung tay cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước cùng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai tạm vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này. Quý vị có thể đóng góp bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, lương thực, áo phao..., chúng tôi cam kết sẽ chuyển tới tận tay người dân đang rất cần trợ giúp.

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

BÁO GIAO THÔNG, Số tài khoản: 115000106087 Ngân hàng: Vietinbank - chi nhánh Hà Nội, địa chỉ: Số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, hoặc VPĐD tại Miền Trung - Tây Nguyên, địa chỉ: 357 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu, Đà Nẵng, liên hệ 0989886178 (Xuân Huy).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.