Vườn đào thành củi khô
Từ những năm 1980, những cây đào đầu tiên được người dân xã Nông Tiến mang về trồng với mong ước gieo hạt cho những mùa xuân mới. Thời kỳ đầu, diện tích chỉ có vài sào, đến nay đã hơn 40 năm, diện tích trồng đào toàn phường lên đến hơn 12ha, biến nơi đây thành vùng chuyên canh trồng đào cảnh lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang.
Theo UBND phường Nông Tiến, trên địa bàn có khoảng 150 hộ trồng đào và cây đào hiện được xem là một trong những cây trồng chủ lực với thu nhập cho người trồng từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau đợt lũ vừa qua gần như gia đình nào cũng bị thiệt hại, có hộ mất trắng vườn đào trước vụ tết Nguyên đán 2025.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau cơn bão số 3, nhiều hecta trồng đào Tết trên địa bàn phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) hiện ra trong tình trạng xơ xác, nhiều cây bị chết khô, thối rễ sau khi ngập nước nhiều ngày.
Theo những hộ dân quanh đây, khoảng 70% cây đào được trồng trên diện tích khoảng 12ha đã chết khô do ngập lâu trong nước. Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi trận lũ lịch sử diễn ra, anh Nguyễn Công Tiến, một hộ trồng đào (trú tại tổ 9, phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang) vẫn chưa xử lý xong số đào chết khô.
Theo anh Tiến, những cây đào hiện còn sót lại trong vườn cũng bị hỏng phần gốc. Những cây đào còn xanh lá cũng chưa biết có "cứu" được hay không, vì trong gần một tháng qua, anh Tiến đã phải chặt bỏ nhiều gốc đào lá xanh rồi vàng úa và chết dần.
"Nhà tôi có hơn 3 sào đào, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu. Tuy nhiên, sau đợt lũ vừa qua, diện tích đào bị ngập nước gần hết. Nước rút, cây chết dần gần hết. Một số cây sống sót cũng đang chết dần do phần gốc đã bị hỏng. Năm nay nhà tôi mất Tết", anh Tiến thở dài.
Nhiều hộ dân trắng tay
Cùng cảnh với anh Tiến, anh Phan Văn Cầu, một hộ trồng đào khác (trú tại tổ 9, phường Nông Tiến) cũng phải tự tay đi chặt, nhổ từng gốc đào đã bị chết khô. Tại vườn nhà anh Cầu, nhiều cây đào cổ thụ hàng chục năm tuổi, gốc to bằng một gang bàn tay cũng bị chặt bỏ xếp thành từng bó củi.
"Những gốc đào to khoảng 1 gang tay, có giá từ 4 - 5 triệu, còn những cây nhỏ hơn cũng dao động từ 1 - 2 triệu. Nếu tính cả vườn thì nhà tôi thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng. Cây nào còn khả năng sống thì cắt sát gốc chờ nảy mầm nuôi lớn cho năm sau. Nhưng do phần gốc cây đã bị hỏng, các cây cũng cứ chết dần. Năm nay nhà tôi coi như mất trắng", anh Cầu chán nản.
Theo ông Trần Văn Trí, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 9, phường Nông Tiến, hiện tại nhiều diện tích đào trên địa bàn phường đã bị thiệt hại sau cơn bão. Vùng đào ven sông Lô của phường Nông Tiến bị thiệt hại nặng nhất, tổng diện tích trên 7ha.
"Người dân phường Nông Tiến thu nhập chủ yếu từ cây đào, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân đang phải dọn vườn, thay thế cây trồng ngắn hạn, đảm bảo phục vụ cuộc sống. Nhiều nhà vườn thiệt hại hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng", ông Trí cho hay.
Cũng theo nhiều hộ dân ven sông Lô thuộc phường Nông Tiến, thời điểm hiện tại, người dân không đủ thời gian để chăm bón, canh tác, trồng cây phục vụ dịp tết Nguyên đán 2025. Không chỉ có diện tích đào, diện tích lúa, ngô, ao cá của các hộ dân cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện nay, giá của các loại không chỉ cây giống mà cả hoa màu đều lên cao khiến người dân càng gặp khó khăn.
>>Một số hình ảnh khác do PV Báo Giao thông ghi nhận:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận