Điều tra

Vườn Quốc gia Cúc Phương bị... “xẻ thịt”

13/05/2015, 06:51

Cúc Phương là VQG đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, nơi có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại gỗ quý...

93
Một cây trai cổ thụ đã bị xẻ thành nhiều khúc, vết cưa còn mới nguyên (ảnh chụp ngày 15/3/2015 tại thung Đài Sen) - Ảnh: Nguyễn Quý

Kỳ 1: “Nghĩa địa” gỗ quý giữa rừng sâu

“Rừng Cúc Phương trông bề ngoài thế thôi chứ thực chất bên trong rỗng tuếch ra rồi”, Trung “rỗ”, một cựu lâm tặc từng tham gia đội quân trộm gỗ rừng Cúc Phương tiết lộ với PV Báo Giao thông.

Qua lời giới thiệu của Trung “rỗ”, chúng tôi bắt xe ôm từ Thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), đi dọc QL45 rồi rẽ sang Tỉnh lộ 522 vào làng Mục Long, xã Thành Minh, Thạch Thành để tìm ông B.V (55 tuổi). Đây sẽ là người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến đi rừng. Theo lời dặn của Trung “rỗ”, chúng tôi sắm vai những sinh viên ngành Lâm nghiệp, muốn vào rừng tìm hiểu, ghi hình phục vụ bài luận văn tốt nghiệp.

94

Một cây vàng tâm cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ rồi để chờ khô mới vào xẻ (ảnh chụp ngày 14/3 tại thung Đài Sen)

Leo rừng bí mật như... đánh trận

Đến đầu làng Mục Long, tôi bốc máy gọi cho ông V. thì nhận được “lệnh” quay ra đầu Tỉnh lộ 522 gặp mặt. Cuộc trao đổi diễn ra chóng vánh tại một quán nước vắng người. Sau thống nhất lộ trình và giá tiền công (300 nghìn đồng/ngày), ông V. yêu cầu chúng tôi quay trở về khách sạn chuẩn bị đồ đạc: “Đúng 21h tối nay các anh vào nhà tôi ngủ để sáng mai đi sớm. Chỉ cần mang theo đèn pin, ủng, thuốc trừ muỗi và một bộ quần áo dài. Những thứ còn lại, tôi sẽ lo…”.

4h sáng, chúng tôi bị dựng dậy. Một chiếc ba lô quân dụng lớn đựng đầy gạo, cá khô, nước, bát đũa và dụng cụ nấu ăn đã được ông V. chuẩn bị sẵn. Số lương thực mang theo đủ cho chúng tôi sử dụng trong ba ngày đi rừng. Chúng tôi chỉ được phép mang theo một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh. Dọc đường đi, ông V. mới giải thích: “Ở khu vực này, bất cứ người lạ nào vào làng đều bị nhận mặt ngay. Tranh thủ lúc này vào rừng mới an toàn. Đi muộn quá nhiều người bắt gặp thì không tiện đâu. Trong suốt chuyến đi, các anh không được phép cầm theo bất cứ thứ gì, kiểm lâm bắt gặp sẽ không hay đâu”, ông V. dặn dò.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ với hơn 4 km đường đất và phải vượt qua quả đồi đất trơn trượt, chúng tôi đã có mặt ở thung Ngo (làng Sấm, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) và bắt đầu trèo rừng. Trời đã sáng dần. Con đường lên núi lởm chởm đá tai mèo, vách đá dựng đứng, hẹp và trơn trượt. Sau hơn nửa giờ “bò”, chúng tôi đã lên được 1/3 đỉnh thung Ngo thì nghỉ chân và chuẩn bị cho bữa sáng. Ông V. nhìn chúng tôi lắc đầu cười: “Các anh ở thành phố, không quen leo núi là phải. Người ta đi lấy gỗ vác trên vai cả 50 cân mà còn đi nhanh hơn. Chừng ấy thời gian có mà người ta đã đến nơi rồi”. “Thế người ta có đi đúng con đường mà chúng ta đang đi không?” - tôi hỏi. “Đúng chứ. Tôi đang dẫn các anh đi đúng con đường người ta đi lấy gỗ về đấy”, vẻ thản nhiên, ông V. đáp.

Ngổn ngang gỗ quý trăm năm tuổi bị đốn hạ

Trời sáng tỏ, cảnh vật hoang vu chốn thâm sơn hiện ra rõ nét hơn khi cơn mưa cũng vừa dứt. Theo ông V. thì muốn tìm được gỗ quý thì phải đi xa hơn nữa. “Nhưng mà bác không dám khẳng định nó còn sống đâu nhé”. Như bắt được vàng, tôi vội đáp: “Bác cứ dẫn cháu vào chỗ đó, có thực tế, bài tập của cháu sẽ phong phú hơn”. Chúng tôi tiếp tục lên đường, lúc đó là hơn 8h sáng.

Dọc con đường núi đá dài khoảng 2 km nhiều gốc gỗ đen sì, mục ruỗng nằm trơ trọi. Ông V. chỉ vào đó và cho biết đó là những cây heo, cây song bị người ta khai thác từ cách đây vài năm.

Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích khoảng 22.000 ha, nằm trên địa phận ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Theo lời Trung “rỗ”, hai xã Thành Minh và Thành Yên (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) chính là những nơi nạn phá rừng đang diễn ra nhức nhối và phức tạp nhất. Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và được thành lập ngày 7/7/1962. Vườn có nhiều loài cây gỗ lớn, gỗ quý. Hiện nay, các nhà khoa học đã thống kê được gần 2.000 loài thực vật có mạch thuộc 887 chi trong 221 họ thực vật.

Đến khoảng 11h, chúng tôi đã qua được thung Ngo, bắt đầu đặt chân lên thung mới với tên gọi thung Đài Sen. Thung này đường khó đi hơn và dốc núi cao hơn thung Ngo mà chúng tôi vừa qua. Dọc đường đi, lác đác những cây trai đồ sộ, thân thẳng, đường kính khoảng 80cm - 1m mọc sừng sững giữa rừng. Bên cạnh những cây gỗ còn chưa bị đốn hạ, càng đi sâu vào trong thì cảnh tượng những cây gỗ bị chặt (cả cũ, cả mới) càng nhiều. Mật độ những cây gỗ trai bị chặt hạ cũng trở nên nhiều hơn. Có khu, chỉ cách 20m, hai cây gỗ bị chặt.

Trong hàng loạt những “xác chết” gỗ quý, ông V. chỉ cho chúng tôi hai cây gỗ mới bị đốn hạ cách đây không lâu. Đó là một cây gỗ trai và một cây vàng tâm. Đường kính của hai cây này lên tới cả mét, vết cưa còn mới nguyên. Trong đó, cây gỗ trai đã bị lâm tặc xẻ thành nhiều đoạn và hộp, còn cây vàng tâm vẫn nguyên trạng. “Cây vàng tâm này rất nặng. Chúng (lâm tặc - PV) hạ xuống rồi để nguyên chờ đến khi nào khô mới vào xẻ, vác đi cho nhẹ”, ông V. giải thích. Được biết, thung Ngo và thung Đài Sen là nơi sinh trưởng và phát triển của các cây gỗ quý : Trai, vàng tâm, heo, song, ngốt, … Tuy vậy, theo như ông V. cho biết thì hiện trong này chỉ còn nhiều gỗ trai và người ta cũng chỉ vào đây khai thác gỗ trai mà thôi.

Trọn một buổi chiều đi loanh quanh trong thung Đài Sen dưới sự dẫn đường của ông V., chúng tôi quả thực quá bất ngờ trước khung cảnh bị diệt vong của những cây trai nơi đây. Thung Đài Sen chỉ rộng khoảng 1 km2 nhưng có tới vài chục cây trai cổ thụ bị đốn hạ không thương tiếc. Cả cũ, cả mới, những gốc trai hàng trăm năm tuổi với đường kính trên 1m nằm trơ trọi giữa rừng, xung quanh vương đầy những tấm gỗ bìa mà lâm tặc bỏ lại.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.