Quản lý

Vướng di dời bến xe Tam Kỳ: Chính quyền Quảng Nam giải quyết ra sao?

23/02/2022, 14:34

UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong gần 5 năm qua.

Vì sao có chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ?

Theo báo cáo về chủ trương đầu tư và di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới ở phường An Sơn (TP. Tam Kỳ) tháng 8/2018, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ thực trạng và sự cần thiết di dời bến xe Tam Kỳ.

Vướng di dời bến xe Tam Kỳ: Nguy cơ phá sản, mất vốn nhà nước

img

Vướng chủ trương di dời, bến xe Tam Kỳ hoạt động cầm chừng, thua lỗ nặng.

Cụ thể, bến xe Tam Kỳ tại phường Tân Thạnh được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2005 với diện tích đất rộng hơn 32.000m2, hiện nay hoạt động khai thác kinh doanh của bến xe hiệu quả không cao.

Trong khi đó, bến xe Tam Kỳ lại nằm ở cửa ngõ phía Bắc trung tâm thành phố Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Nam, xung quanh là khu vực dân cư đông đúc, hoạt động bến xe ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Hiện tại bến xe không kết nối được các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, QL40B và tuyến đường ven biển 129 ở phía Đông, không thuận lợi cho các phương tiện có tuyến vận tải nằm ở phía Nam TP. Tam Kỳ. Đây là một trong những lý do hình thành nên các bến cóc, xe dù trong khu vực nội đô TP. Tam Kỳ, nơi có lượng hành khách đi lại đông.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bến xe ở phía Bắc trung tâm TP. Tam Kỳ và đảm bảo mỹ quan đô thị, việc di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới theo quy hoạch ở phường An Sơn (TP. Tam Kỳ) khu vực giao giữa QL1 và QL40B, kết hợp chỉnh trang đô thị khu dân cư An Sơn là hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Quảng Nam. Thông qua việc di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới, kết hợp cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP bến xe Quảng Nam và góp phần tăng cường công tác quản lý vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu rõ phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, phương án đầu tư xây dựng bến xe mới. Trong đó, UBND TP. Tam Kỳ tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư - tái định cư An Sơn (diện tích 13,4 héc ta) theo hướng chỉnh trang đô thị và quy hoạch đất bố trí, di dời bến xe Tam Kỳ.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng bến xe mới do Công ty CP bến xe Quảng Nam huy động từ nguồn vốn tự có của đơn vị, vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và nguồn kinh phí bồi thường các tài sản gắn liền trên đất tại khu đất bến xe cũ.

img

Bến xe Tam Kỳ được Quảng Nam thống nhất duy trì tại vị trí cũ (giữ nguyên hiện trạng).

Bao giờ thực hiện di dời bến xe Tam Kỳ?

Theo ông Trương Khuê, Giám đốc Công ty CP bến xe Quảng Nam, từ năm 2017, ngay sau khi HĐND tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam đã có 6 cuộc họp để giải quyết những vướng mắc và thực hiện di dời bến xe Tam Kỳ về vị trí mới, nhưng đến nay vẫn chưa có “hồi kết”.

Trong cuộc họp ngày 3/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có kết luận: Giao Sở GTVT Quảng Nam, UBND TP. Tam Kỳ và các đơn vị liên quan tính toán lại phương án tài chính đầu tư (nhất là kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) tại vị trí đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất để tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý nguồn vốn đầu tư xây dựng bến xe tại vị trí mới và trong trường hợp cần thiết (không cân đối được nguồn vốn để đầu tư và không thể điều chỉnh quy hoạch) thì đề xuất phương án thay đổi địa điểm để đảm bảo khả thi về nguồn vốn theo hướng hạn chế chi từ nguồn ngân sách tỉnh đầu tư.

Tuy nhiên, đến ngày 22/11/2021, UBND tỉnh Quảng Nam lại có văn bản cho phép Công ty CP bến xe Quảng Nam tiếp tục sử dụng khu đất tại bến xe Tam Kỳ tại phường Tân Thạnh.

Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại cuộc họp giao ban định kỳ ngày 16/11/2021, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho Công ty CP bến xe Quảng Nam lập thủ tục đề nghị điều chỉnh phương án sử dụng đất theo các quyết định trước đây, với diện tích đất giữ lại tiếp tục sử dụng hơn 32.000m2 (được giữ nguyên).

Cùng với đó, Công ty lập thủ tục đề nghị điều chỉnh tên đơn vị, hình thức giao đất sau khi cổ phẩn hóa từ Ban Quản lý bến xe Quảng Nam sang Công ty CP bến xe Quảng Nam theo nội dung quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2017.

Theo ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam, để việc quản lý, sử dụng đất của Công ty CP bến xe Quảng Nam theo đúng quy định pháp luật đất đai hiện hành, Sở TN&MT Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương: Cho phép Công ty CP bến xe Quảng Nam lập thủ tục điều chỉnh phương án sử dụng đất, cụ thể: diện tích đất giữ lại tiếp tục sử dụng là 32.821,8m2, gồm các hạng mục: đất sử dụng cho hoạt động bến xe loại 1 là 20.500m2 với hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn sử dụng 50 năm. Đất dành cho các hoạt động dịch vụ là 12.321,8m2 với hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất 50 năm theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/2/2022, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: "Việc di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới là chủ trương bắt buộc phải thực hiện. Nhưng hiện nay do vướng mắc kéo dài tại vị trí quy hoạch mới nên UBND tỉnh Quảng Nam tạm thời điều chỉnh phương án sử dụng đất như vậy. Sắp tới, chọn vị trí mới thuận lợi hơn sẽ di chuyển toàn bộ bến xe Tam Kỳ".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.