Nguy cơ phá sản, mất vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Những ngày qua, có mặt tại bến xe Tam Kỳ (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), PV ghi nhận, mặc dù vào cao điểm hoạt động vận tải sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng khung cảnh bến xe thưa vắng. Phương tiện, người dân qua bến xe Tam Kỳ lác đác.
Trong khu vực bến, có 1-2 xe buýt tuyến Tam Kỳ-Bắc Trà My chờ phiên xuất bến nhưng gần như không có khách. Khu vực cổng bến xe, thỉnh thoảng có xe khách tuyến Đà Nẵng dừng đón, trả khách. Khu vực quầy bán vé xe im lìm, đìu hiu, không một bóng người. Khu vực dịch vụ sửa chữa, bão dưỡng xe cũng thưa vắng, im ắng đến lạ.
Mặc dù trong cao điểm hoạt động vận tải sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2022, nhưng khung cảnh bến xe Tam Kỳ im ắng.
Ông Trương Khuê, Giám đốc Công ty CP bến xe Quảng Nam cho biết: Năm 2021 là năm thứ 4 liên tiếp, Công ty CP bến xe Quảng Nam (Công ty) làm ăn thua lỗ. Năm 2018, Công ty có doanh thu hơn 2,4 tỷ đồng, lỗ gần 500 triệu đồng; sang năm 2019, doanh thu hơn 3 tỷ nhưng Công ty tiếp tục lỗ hơn 150 triệu; đến năm 2020, tổng doanh thu đạt hơn 2,5 tỷ nhưng Công ty vẫn thua lỗ hơn 27 triệu đồng; trong năm 2021, Công ty tiếp tục làm ăn thua lỗ và hiện nay vẫn chưa có lối thoát.
"Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành nghị quyết có chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ đến điểm giao giữa QL1 với QL40B để tang cường kết nối với cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và khu vực phía Đông của tỉnh thông qua trục QL40B”. Tuy nhiên, chủ trương này bị “treo”, kéo dài trong nhiều năm khiến Công ty không thể đầu tư phát triển, kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược, không huy động được vốn đầu tư phát triển kinh doanh”, ông Khuê cho hay.
Ông Trương Khuê, Giám đốc Công ty CP bến xe Quảng Nam phản ánh với PV về khó khăn, vướng mắc của Công ty.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết: Công ty CP bến xe Quảng Nam là doanh nghiệp được cổ phần hóa vào năm 2018 từ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GTVT là Ban Quản lý bến xe, có vốn điều lệ hơn 13 tỷ đồng, nhà nước nắm quyền chi phối với hơn 96,5%.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, do thực hiện chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ đến địa điểm mới, Công ty hoạt động rất khó khăn, lỗ lũy kế từ khi cổ phần hóa đến nay hơn 900 triệu đồng.
Ông Tuấn nhìn nhận: Có nhiều nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, nhưng chủ yếu xuất phát từ chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới theo quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Tuấn, mặc dù đơn vị đã cổ phần hóa nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành đăng ký biến động đất đai (việc chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ Ban Quản lý bến xe qua Công ty CP bến xe Quảng Nam) do chủ trương di dời bến xe nên Sở TN&MT chưa giải quyết.
Ngoài ra, lĩnh vực vận tải đường bộ ngày càng thu hẹp do phương tiện cá nhân phát triển, các loại hình vận tải khác cạnh tranh gay gắt, nhiều phương tiện chuyển sang các bến xe khác trên địa bàn, tình trạng bến cóc, xe dù chưa được xử lý dứt điểm, các xe không vào bến vẫn ngang nhiên hoạt động trái pháp luật… dẫn đến lượng phương tiện sử dụng dịch vụ tại bến xe Tam Kỳ ngày càng giảm. Do dịch bệnh Covid-19 nên từ tháng 4/2021, hoạt động vận tải tạm dừng nhiều ngày.
"Những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến nội bộ Công ty mất đoàn kết, cán bộ được giao quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp xin nghỉ việc, cổ đông ngoài nhà nước (người lao động đã mua cổ phiếu khi cổ phần hóa) bất mãn do qua nhiều năm vẫn không có lợi tức. Nếu không có phương án giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản, mất vốn nhà nước tại doanh nghiệp", ông Tuấn lo lắng.
Khu quầy bán vé bến xe Tam Kỳ thưa vắng người.
Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Cũng theo ông Tuấn, để giải quyết khó khăn, từng bước đưa hoạt động kinh doanh vào ổn định, cắt lỗ và tiến tới có lãi, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, bổ sung thêm các loại hình kinh doanh, đào tạo, đăng kiểm, vận tải, phục vụ ăn uống, lưu trú… nhằm khai thác có hiệu quả diện tích đất được giao. Tuy nhiên, tất cả các phương án muốn thực hiện được đều phụ thuộc vào phương án sử dụng đất được ràng buộc bởi chủ trương di dời bến xe đến vị trí mới.
Ông Tuấn cho hay: Trong khi chờ điều chỉnh và tích hợp quy hoạch phát triển GTVT vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, để ổn định vị trí bến xe nhằm phát triển sản xuất, phục vụ tốt hoạt động vận tải và bảo tồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Sở GTVT Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, thống nhất chủ trương tạm dừng thực hiện nội dung di dời bến xe Tam kỳ đến địa điểm mới và giữ nguyên bến xe Tam Kỳ tại vị trí hiện trạng.
Cho phép Công ty CP bến xe Quảng Nam điều chỉnh phương án sử dụng đất nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất hiện được giao. Trên cơ sở đó lập thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận QSDĐ theo các quy định hiện hành. Đồng thời kéo dài thời gian khấu hao khối tài sản là nhà làm việc của Ban Quản lý dự án đường Nam Quảng Nam - Trà My - Trà Bồng (cũ) từ 8 năm lên 25 năm, phù hợp với quy định của pháp luật để giảm chi phí khấu hao giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau khi khôi phục sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ điều chỉnh lại để sớm thu hồi chi phí đã đầu tư.
(Đón đọc bài cuối: Chính quyền Quảng Nam giải quyết thế nào?)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận