Hạ tầng

Vướng đường cấp nước, vành đai TP Tân An nguy cơ chậm tiến độ

image

Dự án đường vành đai TP Tân An nguy cơ chậm tiến độ do cầu vượt qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương không thể thi công vì vướng đường ống cấp nước.

img

Vị trí xây dựng trụ T4 (bên phải) của cầu vượt số 7 vượt cao tốc TP HCM - Trung Lương đã không khoan được cọc khoan nhồi nhiều tháng qua do vướng đường ống nước bên dưới.

Cầu vượt “đứng hình” vì gặp đường ống nước

Tuyến đường vành đai TP Tân An (tỉnh Long An) có chiều dài 23km, rộng 33m, 4 làn xe, tổng kinh phí 973 tỉ đồng đang được thi công. Toàn bộ dự án được chia làm 4 dự án thành phần, hiện đang thi công dự án thành phần 2 và 4.

Dự án thành phần 4 do UBND TP.Tân An đầu tư, dài khoảng 6km, từ sông Rạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn), cắt ngang cao tốc TP.HCM - Trung Lương, giao Quốc lộ 1A tại phường Khánh Hậu.

Theo ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch UBND TP Tân An, tiến độ của dự án thành phần 4 hiện nay vẫn đang đảm bảo theo kế hoạch. Phần đường đã xong nền, rải cấp phối đá dăm, xe ô tô có thể chạy từ đầu đến cuối. Riêng cầu Máng và cầu vượt số 7 do điều chỉnh thiết kế nên có chậm so với kế hoạch ban đầu.

Tuy vậy, thực tế tại cầu vượt số 7 (cầu vượt qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương) tiến độ của gói thầu này rất đáng lo ngại. Bởi hiện trụ T4 của cầu vượt đã nhiều tháng qua chưa thi công được. Nguyên nhân là vướng mắc trong việc di dời đường ống cấp nước D800.

Ngày 30/3, chúng tôi có mặt tại công trình thi công cầu vượt số 7, quan sát có thể thấy phần lớn khối lượng của cầu này đã được nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực thi công rất tích cực. Hai mố cầu đã thi công hoàn thiện.

Cầu có 5 nhịp thì đã lao dầm 4 nhịp hai bên. Nhịp chính vượt qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 46,5m đã thi công xong phần trụ T3 phía bên phải tuyến. Thế nhưng, trụ T4 lại “đứng hình” nhiều tháng nay mà không biết đến bao giờ thi công được.

Tìm hiểu thì được biết, vị trí thi công cọc khoan nhồi của trụ T4 đang bị vướng vào một đường ống cấp nước D800 của nhà máy nước Nhị Thành, do công ty cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP Long An quản lý.

Vì sao “nước lại cản cầu”?

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP Tân An, đại diện chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp. Trong khi nhiều đơn vị cho rằng nhà máy nước mượn lộ giới của cao tốc TP.HCM - Trung Lương để xây đường ống, đến nay nhà nước cần sử dụng đất thì phải di dời và tự chịu kinh phí.

Tại cuộc họp ngày 8/10/2020, đại diện Chi cục quản lý đường bộ IV.7 cũng nêu rõ: Theo giấy phép số 06/GP-CQLĐBCT ngày 13/4/2018, tại khoản 3.7 có ghi: “Khi ngành đường bộ có nhu cầu thực hiện công việc quản lý bảo trì công trình hoặc có hoạt động khác có liên quan đến việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An có trách nhiệm phối hợp và triển khai di dời không chậm quá 30 ngày từ ngày có thông báo và chịu mọi phí tổn cho việc di dời”.

img

Khi thi công đường ống cấp nước, Công ty DNP Long An cam kết sẽ di dời và tự chịu mọi chi phí khi nhà nước có nhu cầu sử dụng đất lộ giới, nhưng hiện nay là đòi chi phí di dời.

Ông Lê Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng chi cục IV.7 (Cục QLĐB IV), cho biết việc thay đổi thiết kế trụ T3, T4 cũng theo yêu cầu của ngành đường bộ để đảm bảo 8 làn xe theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016.

“Vì vậy việc di dời đường ống cấp nước do Công ty đầu tư hạ tầng nước DNP Long An chi trả. Cục QLĐB IV cũng đã có văn bản gửi UBND TP Tân An nói rõ vấn đề này”, ông Phúc nói.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, từ năm 2017, trong văn bản thoả thuận phương án tuyến ống nước thô, tuyến ống truyền tải nước sạch dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước Nhị Thành, có đề nghị chủ đầu tư phải cam kết di dời sông yêu cầu bồi thường hoặc cải tạo tuyến ống khi cơ quan nhà nước có yêu cầu.

“Trước đây, Nhà nước đã tạo điều kiện để chủ đầu tư xây dựng lắp đặt tuyến ống trong hành lang đường bộ, do vậy khi Nhà nước có yêu cầu di dời thì trách nhiệm chủ đầu tư phải chấp hành di dời theo quy định và không yêu cầu bồi thường”, đại diện Sở Xây dựng Long An nói.

img

Cầu vượt số 7 có 5 nhịp thì đã lao lắp xong 4 nhịp, còn trụ T4 chưa thi công được. Nhà thầu rất lo lắng chậm tiến độ gói thầu này, bởi hạn cuối là tháng 9 nhưng đến nay đường ống nước cũng không biết ngày nào sẽ dời đi.

Thế nhưng, phía Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An cho biết phía họ có giấy phép thi công của Cục Quản lý đường bộ cao tốc cấp từ năm 2018. Cả tuyến ống nước D800 và trụ T4 cầu vượt số 7 đều mượn đất thuộc quyền quản lý của đường cao tốc, nên cái gì có trước cái sau phải tôn trọng.

“Do cầu vượt số 7 làm sau, không nằm trong dự án mở rộng đường cao tốc, công ty còn phụ thuộc vào cổ đông, thiệt hại bồi thường với các đối tác đã ký hợp đồng cấp nước do cắt di dời đường ống.

Vì vậy yêu cầu Ban QLDA nâng cấp đô thị TP Tân An chi trả 100% chi phí di dời và chi phí quản lý trong quá trình di dời, hoàn trả”.

Ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch UBND TP Tân An cho biết sẽ chủ trì buổi làm việc lại với các bên, có Cục Quản lý đường bộ 4 để thống nhất có chi trả kinh phí di dời đường ống nước D800 hay không.

Trong khi các bên đang “tranh cãi” về việc ai phải chi trả tiền di dời đường ống cấp nước của Nhà máy nước Nhị Thành, nhà thầu thi công cầu vượt số 7 ngày đêm ăn ngủ không yên vì sợ chậm tiến độ. Gói thầu này đã phải lùi thời hạn thi công 1 lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.