Sáng nay 16/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp cùng 9 địa phương có dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đi qua. Đây là dự án quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, giao hoàn thành trong tháng 6/2024.
Còn 105 vị trí chân móng chưa bàn giao mặt bằng
Báo cáo về tiến độ các dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết để thực hiện dự án nhanh nhất, các đơn vị trong ngành điện đã phối hợp cùng với các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động các hộ dân chấp thuận nhận tiền tạm ứng và bàn giao sớm mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến nay các dự án đã đạt được một số kết quả khả quan.
Cụ thể, đường dây 500kV Nam Định 1 - Thanh Hóa đã bàn giao mặt bằng móng 180/180 vị trí, 35/75 hành lang khoảng néo; đường dây 500kV Nam Định 1 - Phố Nối bàn giao 327/334 vị trí móng, 89/136 vị trí khoảng néo; đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đạt 404/463 vị trí móng, 0/194 vị trí khoảng néo; Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đặt 164/203 vị trí móng, 0/98 vị trí khoảng néo… Tổng cộng của 4 dự án thành phần đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1075/1180 (gần 91%) vị trí móng cột và 124/503 (gần 25%) khoảng néo.
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cho hay các dự án vẫn còn vướng mắc, khó khăn trong chuyển đổi rừng đối với các đường tạm, công trình tạm, do chưa có quy định.
Cụ thể, đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có diện tích rừng phần đường tạm là 3,49ha, gồm có 0,53ha rừng tự nhiên và 2,95ha rừng trồng. Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu diện tích rừng phần đường tạm là 6,01ha, gồm có 2,71ha rừng tự nhiên và 3,29ha rừng trồng.
Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột đã được Thủ tướng chấp thuận tại các quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật do cần chuẩn xác giải pháp thiết kế dẫn tới tọa độ các vị trí móng có thể sẽ có sai khác (mặc dù diện tích cần chuyển đổi không vượt quá chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt).
"Đây cũng là những khó khăn trong việc thẩm định phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các tỉnh", ông Tuấn nói.
Liên quan đến khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết về phần chân móng cột, đến nay cả 4 dự án còn 105 vị trí chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra có 64 vị trí đã bàn giao nhưng chưa thể thi công do còn có vướng mắc.
Ngoài ra, việc thi công cũng còn khó khăn, vướng mắc. Toàn tuyến có 240/1.180 vị trí là các vị trí móng cọc, với yêu cầu về tiến độ cấp bách, cần phải huy động đồng thời tương ứng 240 máy đóng, ép cọc. Trong khi, thời gian thi công móng cọc, theo quy trình thiết kế - thi công cần trung bình 100 ngày (hơn 3 tháng). Nếu không bàn giao mặt bằng được các vị trí này trong tháng 2/2024 thì có thể làm chậm tiến độ dự án.
Không đồng lòng sẽ khó đảm bảo tiến độ đề ra
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng ngày 27/1, nhiều địa phương cam kết sẽ dốc toàn lực gỡ vướng và hoàn thành xong giải phóng mặt bằng trước tết Nguyên đán (đầu tháng 2). Để phấn đấu hoàn thành các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng, đại diện EVN kiến nghị Thủ tướng xem xét, sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 để giải quyết các khó khăn vướng mắc về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các dự án.
Đối với diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phải điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật mà không vượt tổng diện tích đã phê duyệt, đề nghị Thủ tướng cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh chấp thuận mà không phải báo cáo lại Thủ tướng.
Trước việc khối lượng công việc còn lại của toàn dự án là rất nhiều, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, không ít khó khăn vướng mắc đã được các bộ ngành, địa phương phối hợp giải quyết. Các đơn vị thi công cũng làm xuyên Tết, không kể nắng mưa để đáp ứng công việc, tuy nhiên, so với cam kết của các bộ, ngành, địa phương với Thủ tướng thì còn khoảng cách khá xa.
"Không nỗ lực hơn nữa thì rất khó để dự án đạt tiến độ đề ra, đặc biệt trong bàn giao mặt bằng 105 vị trí móng cột. Nếu không có sự đồng lòng của địa phương, các bộ ngành thì chủ đầu tư không thể hoàn thành được khối lượng công việc", ông Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị các địa phương chưa bàn giao mặt bằng hố móng hoặc bàn giao rồi mà chưa thể thi công thì cần gấp rút hoàn thiện trước 20/2, còn mặt bằng hành lang tuyến thì chậm nhất là 15/3 phải hoàn thành.
Ngoài ra, ông Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 156, để tạo thuận lợi trong vấn đề chuyển đổi đất rừng.
EVN và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khẩn trương cung cấp tài liệu liên quan để các địa phương phối hợp với nhà thầu khẩn trương thi công ngay các vị trí đã được bàn giao mặt bằng, sớm hoàn thành thủ tục hoàn tất lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu còn lại ngay trong tháng 2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận