Vướng mặt bằng "da beo"
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 đi qua địa bàn ba huyện là Thanh Bình, Tháp Mười và Cao Lãnh với 10 gói thầu xây lắp.
Trong đó, đoạn thuộc huyện Cao Lãnh có chiều dài khoảng 14km, không bị vướng mặt bằng. Diện tích thu hồi khoảng 36,23ha, qua địa bàn ba xã là Gáo Giồng, Phương Thịnh, Ba Sao và số hộ bị ảnh hưởng khoảng 222 hộ.
Đoạn qua huyện Thanh Bình có chiều dài khoảng 21km. Diện tích thu hồi khoảng 52,82ha, có 5 xã gồm: An Phong, Tân Thạnh, Phú Lợi, Tân Mỹ và Bình Tấn bị ảnh hưởng. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 442 hộ. Hiện, còn 7 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, đoạn thuộc huyện Tháp Mười dài khoảng 10,5km. Diện tích thu hồi khoảng 25,92ha, qua địa bàn 2 xã là Mỹ Quí và Mỹ Hòa. Số hộ bị ảnh hưởng là 94 hộ, còn ba hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Số hộ còn phải giải phóng mặt bằng ít, nhưng vướng mặt bằng da beo dẫn đến việc thi công đứt đoạn do việc vận chuyển thiết bị, máy móc gặp nhiều trở ngại.
Có mặt tại gói thầu số 13 dài 5,5km, với hai cây cầu do Công ty TNHH Tuấn Hiền phụ trách thi công, PV ghi nhận nhà thầu đang gặp khó do còn vướng mặt bằng ở ba vị trí gồm nút giao với quốc lộ 30, Km 0+400 và Km 4+100.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, Phó chỉ huy trưởng công trình, Công ty TNHH Tuấn Hiền (nhà thầu thi công) cho biết, hiện tại, trên công trường có khoảng 39 công nhân và nhiều thiết bị, máy móc đang tập trung thi công cầu.
"Hai cây cầu trong gói thầu do công ty thực hiện có một cầu Ranh đang được công ty cho làm lan can và sắp hoàn thành. Cây cầu còn lại là cầu 2/9 đến công đoạn đổ mặt cầu và sẽ hoàn thành đổ mặt cầu vào ngày 31/12 tới", anh Hiếu cho biết thêm.
Trong khi đó, tại gói thầu số 14 do Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM phụ trách thực hiện dài 4,2km, tiến độ thực hiện đạt gần 43%.
Anh Lê Dương Trung Dũng, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM cho biết, hiện gói thầu do công ty thi công cũng đang gặp khó khi vướng mặt bằng hai vị trí tại mố và đường dẫn vào cầu kênh Kháng Chiến.
"Gói thầu do công ty thực hiện có ba cây cầu, hiện công nhân đang tất bật làm bê tông cốt thép và ép cọc thi công. Riêng cây cầu kênh Rọc Sen, công nhân lắp lan can nữa là sẽ hoàn thành.
Phía công ty mong muốn chủ đầu tư sớm làm việc với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nhà thầu thi công thuận tiện hơn để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ", anh Dũng nói.
Anh Đặng Bá Đức, đại diện đơn vị tư vấn giám sát gói thầu số 13 và 14 (dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845) cho biết: "Nhà thầu thi công đang rất nỗ lực thực hiện các phần việc được giao.
Nhưng cái khó hiện nay là mặt bằng đang bị vướng nên tiến độ thực hiện gói thầu số 13 và 14 chỉ đạt lần lượt là 43% và 33%".
Sẽ cưỡng chế để sớm giao mặt bằng
Một cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, công tác giải phóng mặt bằng được chủ đầu tư giao về các địa phương có dự án đi qua chịu trách nhiệm thực hiện.
Thời gian qua, các địa phương đã rất nỗ lực để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Thế nhưng, vẫn còn một số trường hợp đã qua nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng đến nay vẫn chưa chịu giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, như một số hộ còn vướng thủ tục do tranh chấp đất đai, thủ tục liên quan đến thừa kế và nhiều hộ vẫn còn khiếu nại về mức giá bồi thường...", cán bộ này cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Hơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845) thông tin, dự án có tổng chiều dài tuyến 45km, trong đó có 27 cầu kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép.
Hiện tại, khối lượng thực hiện ước đạt 40% khối lượng của toàn dự án. Trong đó, dự kiến về phần cầu, cống sẽ hoàn thành vào giữa năm 2024.
"Trước những khó khăn của nhà thầu liên quan đến mặt bằng thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan có tổ chức nhiều buổi đối thoại, vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án mà sớm bàn giao mặt bằng theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, nếu những hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch cưỡng chế để sớm có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công tăng tốc thực hiện dự án, hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2024", ông Hơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận