Nhiều công trình phụ trợ dở dang
Lưu thông trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, không quá khó để nhận thấy nhiều hạng mục phụ trợ, hàng rào bảo vệ... vẫn chưa thể hoàn thành.
Bên trái tuyến đoạn Km53, Km54 hàng trăm mét hàng rào bảo vệ cao tốc vẫn chưa được lắp đặt. Khoảng cách từ hộ lan tuyến cao tốc này đến vườn, rẫy của người dân vẫn chưa bị ngăn cách bởi những tấm rào kẽm.
Tương tự, phía bên trái từ Km46+00-Km47+00 (qua xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh) hay Km34+600 (trái tuyến, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm), khoảng cách giữa rẫy của người dân và hành lang bảo vệ tuyến cao tốc chưa có hàng rào ngăn cách.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, tài xế thường qua lại trên tuyến cao tốc này cho biết, một số đoạn tuyến Nha Trang - Cam Lâm hàng rào bảo vệ chưa có, rất nguy hiểm khi người, gia súc có thể tiếp cận với cao tốc bất cứ lúc nào.
"Ban ngày vừa chạy qua đây, tôi phải thường xuyên phải chú ý khu vực ngoài phạm vi hộ lan bên trái, bởi hàng rào bảo vệ chưa có, trong khi rẫy của dân trồng rất nhiều cây lâu năm, gia súc chăn thả trong rẫy cũng nhiều.
Vào ban đêm, đi qua đây, càng lo lắng nguy cơ mất ATGT trên những đoạn chưa dựng hàng rào bảo vệ", anh Hùng chia sẻ.
Theo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án), đơn vị thi công chưa hoàn thiện hạng mục phụ trợ gần 2km cao tốc qua các xã: Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông và Cam Hiệp Nam. Nguyên nhân do một số hộ dân chưa đồng thuận để thi công
Tại phạm vi hai bên mố cầu vượt trên địa bàn xã Suối Tân (huyện Cam Lâm), người dân tự ý dựng hàng rào trong phạm vi GPMB đã bàn giao cho dự án.
Cùng với đó, vị trí đường 2 đầu cầu vượt có đường điện cao thế 220kV không đảm bảo chiều cao tĩnh không, gây mất an toàn trong quá trình lưu thông của người dân và phương tiện qua lại.
Vì vậy, địa phương cần sớm có phương án di dời đường điện này để bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông.
Đối với hệ thống đường gom, tuy đã cơ bản hoàn thiện nhưng còn hai đoạn khu vực giao với QL27B qua TP Cam Ranh do thay đổi cao độ mặt đường nên phải GPMB bổ sung (khoảng gần 300m2).
Doanh nghiệp dự án đề nghị UBND TP Cam Ranh sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công hoàn thành trong tháng 12 này. Tại nút giao QL27B, hệ thống rãnh dọc vẫn chưa triển khai thi công hoàn thiện do một số hộ dân cản trở.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết, trên tuyến nối QL27C (huyện Diên Khánh), đường dây 220kV và trạm biến áp của xưởng gỗ nằm trong phạm vi GPMB vẫn chưa thể di dời.
"Tại tuyến nối Tỉnh lộ 3 (xã Suối Cát), một số công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước), công trình kiến trúc của người dân vẫn chưa được di dời ra khỏi phạm vi GPMB, ảnh hưởng đến thi công hệ thống rãnh dọc hai bên đường gom trong phạm vi cầu vượt.
Tại tuyến giao QL1A - Km30+260), phần hạ tầng kỹ thuật (đường nước, cáp ngầm, hệ thống viễn thông…) vẫn chưa di dời xong, ảnh hưởng đến công tác thi công hệ thống rãnh dọc thoát nước hai bên nút giao.
Hiện nay, trên tuyến nối QL1A (Km30+260 - thị trấn Cam Đức), tuyến nối QL27B (xã Cam Thịnh Đông) một số hộ dân xây dựng mới nhà cửa, quán… ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đường bộ", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Cần xử lý rốt ráo
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, một số hạng mục phụ trợ trên tuyến chưa hoàn thành đã ảnh hưởng chung đến tiến độ toàn dự án.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị địa phương làm việc với các cơ quan có liên quan để giải quyết các tồn tại, vướng mắc về công tác GPMB. Đồng thời, sớm có phương án nhận bàn giao các hạng mục do địa phương quản lý như: đường gom, cầu vượt ngang…
Doanh nghiệp cũng mong muốn địa phương tăng cường công tác kiểm tra về hành lang đường bộ (một số hộ dân đang xây dựng công trình trong phạm vi mốc lộ giới tại tuyến nối QL27B).
Về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết, ngoài những kiến nghị giải quyết vướng mắc về công tác GPMB, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo các địa phương rà soát, báo cáo bổ sung các hạng mục đường gom, cống thoát nước, rãnh thoát nước dọc tuyến để Ban có cơ sở báo cáo Bộ GTVT quyết định.
Đơn vị cũng kiến nghị tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo các địa phương rà soát, phê duyệt quyết toán công tác GPMB.
Mới đây, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đã yêu cầu các địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc để hoàn thành bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án, hoàn thành trước ngày 31/12.
Việc bổ sung thêm đường gom, cống thoát nước, Sở GTVT làm việc với các địa phương để tham mưu báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định.
Về công tác quyết toán kinh phí chi trả GPMB, giao ba địa phương (Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh) rà soát, hạng mục nào không thể thực hiện được báo cáo tham mưu UBND tỉnh để xử lý.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cũng giao Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh báo cáo việc bảo đảm ATGT trên tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,11 km, điểm đầu tại nút giao với QL27C (xã Diên Thọ, Diên Khánh kết nối với cao tốc Vân Phong - Nha Trang); điểm cuối tại nút giao QL27C nối tiếp với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh).
Trong giai đoạn đầu, cao tốc được đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bên cạnh đó, phần lề đường được mở rộng thêm 0,5m so với thiết kế; giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, rộng hơn 32m, vận tốc 120km/h.
Tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng theo hình thức PPP, do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Được khởi công vào tháng 9/2021, chính thức thông xe vào ngày 19/5. Đến ngày 18/6 được khánh thành cùng với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận