Xã hội

“Vương quốc” lò gạch thành di sản đương đại

05/01/2025, 07:17

Từng một thời phát triển rực rỡ nhưng cả ngàn lò gạch ở Vĩnh Long đã bị xóa sổ. Để giữ gìn giá trị cha ông để lại, địa phương này đã lập đề án bảo tồn di sản đương đại với các lò gạch.

Về "vương quốc" lò gạch

Theo nhiều bậc cao niên trong vùng kể lại, từ những năm 1990-1995, dọc hai bên bờ sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Măng Thít, kênh Thầy Cai... đâu đâu cũng thấy lò gạch.

“Vương quốc” lò gạch thành di sản đương đại- Ảnh 1.

“Vương quốc” lò gạch dọchai bên bờ kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long trở thành di sản đương đại.

Nhưng nhiều nhất phải kể tới dọc kênh Thầy Cai. Chạy từ đầu kênh thuộc xã Mỹ Phước đến tận ngã ba sông Măng, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, hàng trăm lò gạch san sát trải dài xa ngút mắt.

Ngoài những di sản vật thể và phi vật thể được ghi danh và công nhận, khu lò gạch gốm còn là di sản về phương thức sản xuất, công cụ sản xuất truyền thống độc đáo.

Thời gian qua, các chuyên gia du lịch trong và ngoài nước đã khảo sát, du khách đã trải nghiệm, tìm hiểu về hoạt động sản xuất gạch gốm, tìm hiểu về đời sống người dân làng nghề. Điều này cho thấy tín hiệu tốt đẹp và tiềm năng của du lịch làng nghề di sản này đang dần được khẳng định. Hiện có 364 hộ cam kết giữ lại 653 lò gạch đã ngưng hoạt động để làm du lịch.

Phó chủ tịch UBND huyện Mang Thít Nguyễn Chí Quyết

Thời hưng thịnh nhất, toàn tỉnh Vĩnh Long có đến hơn 2.000 lò gạch, trong đó 80% tập trung ở huyện Mang Thít, với hơn 12 nghìn lao động tham gia sản xuất, gần 50 triệu sản phẩm mỗi năm (chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Vĩnh Long). Nhưng do chi phí sản xuất gia tăng, công nghệ lạc hậu, cạnh tranh, nhu cầu thị trường giảm nên nghề sản xuất gạch, gốm đỏ ở Vĩnh Long rơi vào suy yếu.

"Trong vòng 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 lò gạch, gốm bị phá dỡ, hiện số lò gạch gốm trên địa bàn tỉnh còn lại khoảng hơn 850 lò", ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thông tin.

Anh Nguyễn Thành Hưng, ở xã Mỹ Phước từng sở hữu hai lò gạch và hàng chục công nhân. Anh Hưng cho biết, từ lúc sinh ra đã thấy những chiếc lò gạch sừng sững trên mảnh đất quê mình. Khi lớn lên, lấy vợ, ba mẹ anh đã chia cho khu vườn nằm bên dòng kênh Thầy Cai. Vợ chồng anh lại chọn nghề sản xuất gạch đất nung để khởi nghiệp.

"Thời điểm làng nghề hưng thịnh nhất, khu lò gạch của tôi gần như làm việc cả ngày đêm, tàu ghe cặp bến lấy gạch, chở đất nguyên liệu đến, đi tấp nập. Nghề này đã nuôi sống cả gia đình, con cái có điều kiện học hành", anh Hưng chia sẻ.

Dù vậy, nhiều năm qua, gia đình anh không còn sản xuất gạch. Tuy nuối tiếc khi phải chia tay với nghề truyền thống nhưng anh Hưng cũng như rất nhiều cơ sở sản xuất gạch sớm chuyển đổi nghề, ổn định kế sinh nhai bằng vườn sầu riêng, thanh long ruột đỏ ngay trên nền đất sản xuất gạch năm xưa.

Vì sao điêu tàn?

Cũng nằm bên bờ kênh Thầy Cai, cơ sở sản xuất gạch gốm của anh Dương Chí Hiền ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít đến nay vẫn duy trì sản xuất. Anh Hiền kể, đã làm nghề sản xuất gạch đất nung hơn 30 năm.

“Vương quốc” lò gạch thành di sản đương đại- Ảnh 2.

Du khách tham quan khu vực sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long.

"Hồi còn trẻ, tôi đi làm thuê cho những lò gạch của họ hàng. Từ đó, tôi tích góp kinh nghiệm và vốn liếng để làm chủ lò gạch của riêng mình. Năm 2004, tôi khởi nghiệp, gom hết tiền bạc đầu tư xây dựng được một lò đầu tiên. Hồi đó, gạch ra lò không đủ bán nên chỉ mấy năm tôi khá lên thấy rõ. Rồi năm 2007, 2008 tôi xây thêm hai lò nữa", anh Hiền kể.

Rồi làng nghề truyền thống rơi vào suy giảm đến mức điêu tàn suốt hơn chục năm qua. Trong xu thế phát triển của công nghệ sản xuất, làng nghề gạch gốm thủ công truyền thống yếu thế trông thấy. Giá đất sét nguyên liệu tăng, giá chất đốt (trấu) cũng tăng dẫn đến giá thành sản xuất cao, không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

"Theo tính toán, với lò đơn truyền thống, để đốt thành phẩm một viên gạch trong thời gian 7 ngày đêm cần 350g trấu. Còn lò nung liên hoàn (từ 6 miệng lò liền kề, sử dụng nhiệt của lò này đốt cho lò liền kề) thì mỗi viên gạch chỉ cần 120g trấu.

Chất lượng như nhau, thời gian đốt như nhau, nhưng chi phí chất đốt giảm hơn phân nửa, chắc chắn lò gạch truyền thống không sống nổi", anh Hiền phân tích lý do làng nghề gạch gốm Vĩnh Long thua ngay trên sân nhà.

Từ hoang phế thành di sản

Không nỡ quay lưng với nghề truyền thống, anh Hiền bỏ thời gian tìm tòi, nắm bắt nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất, cho ra sản phẩm phù hợp để duy trì sản xuất.

“Vương quốc” lò gạch thành di sản đương đại- Ảnh 3.

Thời hưng thịnh, Vĩnh Long có hơn 2.280 lò gạch, đóng góp 50% giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Từ sản xuất gạch ngói đơn thuần, anh Hiền đã chuyển đổi một phần sang sản xuất gốm đỏ. Do cùng là sản phẩm tạo hình từ đất nung nên gốm đỏ vẫn kết hợp đốt trong lò gạch với tỉ lệ 50% gốm thủ công mỹ nghệ, 50% gạch ống, gạch thẻ.

"Tôi chủ yếu làm gốm mỹ nghệ trang trí, các loại gạch đỏ trang trí, phục vụ khách du lịch", anh Hiền nói.

Theo anh Hiền, khi UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt đề án di sản đương đại Mang Thít và đồ án quy hoạch xây dựng khu lò gạch, gốm trở thành sản phẩm du lịch làng nghề độc đáo của địa phương, anh như "bắt được vàng" nên đã tiên phong tham gia.

Anh chia sẻ: "Tôi tiến hành ngay việc xây dựng khu vực cà phê gốm đỏ, trưng bày sản phẩm gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, kết hợp điểm dừng chân check-in cho du khách. Tôi cũng mở cửa cho khách tham quan trải nghiệm quy trình sản xuất gạch gốm tại lò của mình. Còn du khách muốn khám phá thêm những địa điểm khác, tôi đã đầu tư sẵn tàu du lịch phục vụ di chuyển trên sông".

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng, những miệng lò cổ kính trải qua hơn một thế kỷ, dù đã bỏ hoang sẽ được phục hồi và sắp xếp như một không gian triển lãm nghệ thuật ngoài trời độc đáo riêng của Vĩnh Long.

"Di sản đương đại "vương quốc" gạch gốm là kết tinh của quá trình lao động sản xuất sáng tạo mà ông cha đã dày công tạo dựng hơn 100 năm qua nên phải được bảo tồn và phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm độc đáo trong thời gian tới", ông Ngời nói thêm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.