Đường sắt đô thị

Vượt khó làm đường sắt đô thị giữa mùa dịch

20/06/2021, 05:57

Dưới cái nắng như đổ lửa ở Hà Nội, cộng với phải phòng dịch nghiêm ngặt, việc thi công, đẩy tiến độ dự án đường sắt đô thị đang rất căng thẳng.

img

Kỹ sư, công nhân làm việc tại ga ngầm trong thời gian vừa chống dịch vừa thi công

Dưới cái nắng miền Bắc như đổ lửa, cộng với phải phòng dịch nghiêm ngặt, việc thi công và đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị đang rất căng thẳng...

Nắng nóng, Covid-19 cản tiến độ

9h sáng một ngày giữa tháng 6, khu Depot dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội nóng hầm hập. Hai kỹ sư trẻ ngành tự động hóa tên Liêm và Toàn đẫm mồ hôi, khẩu trang kín mít, cần mẫn đối chiếu từng chi tiết kỹ thuật trên toa tàu với bản thiết kế. Anh Liêm cho biết, toa tàu của đoàn tàu thứ 5 vừa được đưa từ Pháp về, cần khẩn trương căn chỉnh, lắp thành đoàn để chuẩn bị đón thêm đoàn tàu mới.

Anh Tạ Quang Bộ, kỹ sư Ban điều hành gói thầu hạ tầng chia sẻ: “Từ đầu mùa, nhiều đợt nắng nóng kéo dài nên anh em tranh thủ làm từ hơn 5h sáng, chiều tối cũng làm muộn, nghỉ muộn để tránh nắng”, anh Bộ kể.

Đại diện Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, thời gian này, các gói thầu khác của dự án được duy trì hoạt động theo nguyên tắc “vừa chống dịch vừa thi công”.

Chỉ những người trong danh sách mới được vào công trường và phải đo thân nhiệt, ghi danh, đeo khẩu trang. Riêng tại Depot có hơn 100 nhân công, gồm cả chuyên gia nước ngoài. Công trường hiện có nhiều gói thầu cùng thi công, trong đó có hai gói lớn là hạ tầng và các công trình kiến trúc; thiết kế, lắp đặt hệ thống đầu máy toa xe, thiết bị Depot, thông tin và cấp điện. Đến nay, các công trình hạ tầng khu Depot đạt hơn 70%; hệ thống thông tin, tín hiệu… đạt hơn 75%

Ông Nguyễn Thế Sơn, phụ trách thi công gói thầu hạ tầng tại Depot của nhà thầu Hancorp cho biết: “Chúng tôi duy trì hơn 50 nhân lực thi công và cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng mục tiêu chung của dự án là đưa vào khai thác cuối năm 2021. Tuy vậy, do dịch Covid-19 nên thời gian nhập khẩu các thiết bị, kết cấu bị chậm, việc huy động nhân lực từ các địa phương hoặc của nhà thầu phụ đang gặp khó khăn”, ông Sơn nói.

Cuối năm có kịp khai thác?

Hiện, cả nước có 3 dự án đường sắt đô thị gồm: Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và Bến Thành - Suối Tiên đang bước vào giai đoạn hoàn thành với mục tiêu chung là đưa vào khai thác, vận hành ngay trong năm 2021.

Tìm hiểu của PV, đến nay, chỉ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận an toàn hệ thống (mốc tiến độ quan trọng trước khi được nghiệm thu cấp Nhà nước).

“Hiện, tổng thầu và đơn vị QLDA đang khẩn trương hoàn thiện dự án theo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước để bàn giao toàn bộ cho đơn vị quản lý khai thác, vận hành. Thời gian này dịch đang diễn biến phức tạp nên các bên liên quan chủ yếu họp, bàn giải quyết công việc trực tuyến”, một chuyên viên ban QLDA thông tin.

Với dự án Nhổn - ga Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, gần đây dự án đạt thêm một số mốc tiến độ quan trọng như nhận 5/10 đoàn tàu, chạy thử nghiệm đoàn tàu từ Depot đến ga số 5, đấu nối thông điện nguồn toàn tuyến trên cao để sẵn sàng vận hành thử nghiệm đoàn tàu, giải quyết xong vướng mắc mặt bằng thi công các nhà ga trên cao.

“Tháng 7/2021 dự án sẽ nhận đủ các đoàn tàu và đang triển khai công tác đào tạo nhân sự vận hành. Chúng tôi cố gắng thực hiện mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác trước đoạn 8,5km trên cao Nhổn - Cầu Giấy (ga S8) như kế hoạch”, ông Hiếu nói.

Tuy vậy, theo ông Hiếu, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch vận chuyển, tiếp nhận thiết bị nhập khẩu. “Chuyên gia nước ngoài sang dự án trong thời gian này phải cách ly 28 ngày, việc đi lại cũng cũng phức tạp hơn. Vì vậy, hiện chúng tôi tạm thời dừng huy động chuyên gia làm việc ngắn hạn sang dự án”, ông Hiếu cho biết thêm.

Tuyến Bến Thành - Suối Tiên khó vận hành cuối năm 2021

Liên quan dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, theo chuyên gia Nguyễn Ân, do phát sinh việc một số gối đệm cao su dầm cầu cạn bị rơi vừa qua nên cần phải đánh giá, khắc phục và dự án khó đưa vào khai thác cuối năm 2021 như kế hoạch.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, một trong những khó khăn là tác động của dịch Covid-19 khiến việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhập khẩu máy móc, thiết bị gặp khó. Bên cạnh đó, do vướng mắc về phụ lục hợp đồng về đào tạo lái tàu nên hạng mục này cũng bị chậm hơn kế hoạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.