Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Krông Búk |
Đội mưa đẩy nhanh tiến độ
Cuối năm 2013, khi Tây Nguyên bắt đầu vào mùa khô, tất cả các gói thầu cầu, đường trên dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên đã được khởi công đồng loạt, riêng dự án cầu Krông Búk vẫn đang nằm trên bàn giấy.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, nhà thầu Tổng công ty 789 (Bộ Quốc phòng) đã huy động tổng lực máy móc, thiết bị, nhân lực đến hiện trường để đẩy mạnh thi công. Bà Cao Thị Lan, Giám đốc Chi nhánh 789.6 (Tổng công ty 789) cho biết: “Lúc đó, cả đơn vị quản lý, tư vấn giám sát và nhà thầu đều cho rằng, việc điều chỉnh thiết kế dự án không quá lâu. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2014, nhà thầu mới nhận được quyết định chính thức triển khai thi công dự án. Thiết kế thay đổi, giảm đầu tư đến gần 50%, mặt cầu ban đầu có chiều rộng 24 m nay chỉ còn 12 m”.
Sau khi nghe Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo tiến độ xây dựng cầu Krông Búk và Sê rê púk, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đặc biệt biểu dương nỗ lực của các nhà thầu. Thứ trưởng Trường cũng yêu cầu các đơn vị ngoài việc rút ngắn tiến độ, phải bảo đảm chất lượng công trình ở mức cao nhất. |
Theo chỉ đạo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, do mùa mưa Tây Nguyên kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 nên các nhà thầu phải tập trung tập kết vật liệu. Tuy nhiên, dự án cầu Krông Búk vẫn cần phải thi công đồng bộ để có thể hoàn thành vào tháng 10/2015 như cam kết. Dù vậy, khi mở đường công vụ, nhà thầu đã vấp phải khó khăn khi gặp phải độ dốc lên đến hơn 10%. Bên cạnh đó, nền đất đỏ bazan khi gặp trời mưa rất lầy lội, lòng sông cạn đầy sình lầy. “Chiều cao thân mố cầu đoạn sâu nhất đến 25 m. Lúc đó, nhà thầu phải áp dụng giải pháp mua hàng trăm khối đá hộc và đá cấp phối để thi công đường công vụ. Phần việc phát sinh này không có trong thiết kế nên kinh phí nhà thầu phải tự bỏ”, bà Lan nói.
Ông Tống Anh Tuấn, Phó kỹ sư trưởng thường trực của đơn vị Tư vấn giám sát cho biết: “Cầu được xây dựng trên vùng sình lầy, lại gặp mùa mưa nên rất khó thi công, nhất là các mố cầu. Nếu đợi điều chỉnh lại thiết kế, phải ngừng thi công một thời gian dài nữa. Vì vậy, đơn vị tư vấn giám sát đưa phương án nhà thầu mua một loạt tấm tôn lót trên mặt nền đất nhão. Đây là phần việc ngoài thiết kế nên kinh phí nhà thầu phải tự bỏ ra”.
Xây trụ cầu trên dòng nước lũ
Cầu Sê rê púk được khởi công từ tháng 4/2014, nhưng khi vừa khởi công đã phải điều chỉnh thiết kế do chính quyền địa phương muốn giữ lại biểu tượng chiến tích lịch sử qua hai cuộc chiến tranh là cầu Sê rê púk cũ. Do vậy, cầu mới sẽ nằm kẹp giữa cầu Sê rê púk đang khai thác và cầu cũ, cách nhau chỉ 12,5 m.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng thi công cầu Sê rê púk (thuộc Công ty Cổ phần 479) cho biết: “Khi ấy, nếu chờ hoàn thiện thay đổi thiết kế, phải đến tháng 11/2014 mới bắt đầu thi công lại được. Với thời gian này, sẽ rất khó hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2015 như chỉ đạo của Bộ GTVT”.
Trước tình thế đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã cùng với nhà thầu thống nhất phương án thay đổi thiết kế đến đâu, thi công ngay đến đó. Do đó, ngay từ tháng 6/2014, khi mới chớm mùa mưa, đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thi công hai trụ cầu. Đến đầu tháng 7, khi có dấu hiệu lũ về, mố cầu đã hoàn thành. Mùa mưa lũ đến, cả đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ đúc dầm cầu. Đến nay, đơn vị thi công đang đẩy nhanh công tác thi công lao dầm và đảm bảo tiến độ luôn vượt 100% theo đăng ký. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành thông cầu vào tháng 6/2015”.
Văn Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận