Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số
Phát biểu tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD diễn ra vào chiều nay (ngày 30/12) tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những kết quả đạt được này góp phần vào tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao và xuất khẩu dương sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo. Chúng ta đã tham gia một bước vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỉ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số như máy tính, sản phẩm gỗ, giày dép…
"Chúng ta đã tăng quy mô một số mặt hàng xuất khẩu tỉ trọng lớn, năm 2019 có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD chiếm tỉ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Như vậy có thể nói nếu như quy mô số mặt hàng lớn mà đẩy lên được thì tổng kim ngạch xuất khẩu rất lớn”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, xúc tiến thương mại và hội nhập đã đem lại nhiều lợi ích phát triển ngoại thương Việt Nam. Các thị trường quan trọng đều có sản phẩm của Việt Nam và bước đầu chúng ta đã tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ gia công xuất khẩu đều tăng.
“Cho nên chúng ta không thiếu bất cứ mặt hàng gì, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, có được thành tích này là do chúng ta đã gỡ các thể chế liên quan. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, đưa ra các giải pháp, tháo gỡ cụ thể những vướng mắc, như một cửa ASEAN, thông quan điện tử hay cấp xuất xứ C/O mẫu D điện tử hay bảo đảm tín dụng cho các mặt hàng xuất khẩu. Nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn tham gia xuất khẩu.
"Số liệu cho thấy, chúng ta đã tăng xuất nhập khẩu 170 lần so với thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986), tăng 37 lần thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, tăng 5 lần thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007) và năm 2019, với mốc 517 tỷ USD xuất nhập khẩu, trong vòng 8 năm, chúng ta tăng kim ngạch trên 2,5 lần. Nhờ đó, xếp hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra các bài học kinh nghiệm về xuất nhập khẩu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất chính sách về công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, đã đàm phán, ký kết 14 FTA, trong đó Hiệp định CPTPP đang phát huy tác dụng lớn.
Năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD và 5 năm liên tiếp xuất siêu
Đặt mục tiêu năm 2020, phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, Thủ tướng nêu ra một số yêu cầu, trước hết là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn.
Thủ tướng giao Bộ Công thương là cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này. Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI.
Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị. Phải giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, cần đẩy mạnh xuất khẩu “tại chỗ” – phát triển ngành du lịch.
"Câu hỏi đặt ra là các Sở Du lịch phải xem khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mua sản phẩm gì", Thủ tướng lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận