Đoạn đầu tuyến nối cầu 38 là điểm cuối cùng của dự án BOT do Đức Thành Gia Lai đầu tư |
Người dân, doanh nghiệp thở phào
Trước năm 2014, đường HCM qua các tỉnh Tây Nguyên nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng. Có những đoạn “nát như ruộng cày”, khiến cánh lái xe “sợ khiếp vía” mỗi khi phải qua đây. Trung bình, một xe khách chạy từ Buôn Ma Thuột đến TP HCM với lộ trình 350 km phải mất từ 10 - 12 giờ đồng hồ.
Cũng vì đường xấu, lượng phương tiện bị hỏng hóc dọc đường, nhất là các lỗi hỏng gầm xe, nhíp, nổ lốp khi qua khu vực này nhiều không kể hết. Chủ ga ra ô tô Thái Hòa, TP Buôn Ma Thuột cho biết, trong năm 2013, có đến 90% số lượng xe ô tô vào sửa chữa tại gara do bị hỏng gầm xe, nhíp xe, nổ lốp... mà nguyên nhân chủ yếu do đường quá xấu.
Đại diện hãng xe vận tải hành khách Thu Đức, tuyến Buôn Ma Thuột - TP HCM cho biết: “Nếu tuyến đường này tốt, chúng tôi có thể tổ chức vận tải hành khách xen kẽ nhau. Mỗi xe chạy hai ngày được ba lượt, sau đó nghỉ bảo dưỡng xe một ngày. Còn hiện tại xe chạy mỗi ngày một lượt, rất tốn thời gian và tiêu hao xăng dầu”.
Dự án đường HCM qua các tỉnh Tây Nguyên được khởi công năm 2013. Tuy nhiên, cho tới tháng 4/2014 mới bắt đầu có mặt bằng để tập trung thi công. Trên toàn tuyến có ba nhóm dự án đang được triển khai. Trong đó, các đoạn tuyến trên đường HCM đầu tư bằng nguồn ngân sách và Trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến 2015 gồm 12 dự án, dài 123 km, tổng mức đầu tư 4.916 tỷ đồng. Các đoạn đầu tư theo hình thức BOT dài khoảng 218 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.258 tỷ đồng, gồm 5 dự án. Bên cạnh đó, trên tuyến cũng được bổ sung ba đoạn bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ là Tân Cảnh - Kon Tum dài 23,7 km, vốn đầu tư 860 tỷ đồng, Cầu 110 - Buôn Ma Thuột dài 96 km, vốn đầu tư 3.606 tỷ đồng và Buôn Ma Thuột - Cầu 20 dài 83 km, vốn đầu tư trên 3.700 tỷ đồng. |
Các chủ xe tuyến Buôn Ma Thuột - TP HCM cũng tính toán, xe giường nằm chất lượng cao hiện nay đang chạy trên tuyến đường xấu chi phí hết hơn 7 triệu đồng/lượt, đến khi đường được nâng cấp tốt, chỉ hết khoảng trên 5 triệu đồng/lượt. Còn xe khách 29 chỗ ngồi hiện nay chạy tuyến này hết 1,3 triệu đồng/lượt, nhưng đến khi đường được nâng cấp tốt, chỉ hết khoảng 1 triệu đồng/lượt, giảm đáng kể chi phí.
Rất mừng là đến thời điểm này, hầu hết nhà xe đã có thể “thở phào” khi qua đây. Anh Phi, chủ nhà xe Tiến Thành - DN có bốn xe giường nằm chạy tuyến Quảng Trị - TP HCM cho biết, Tết năm nay sẽ cho xe chạy vào tới Đà Nẵng sau đó lên QL14 rồi vào TP HCM. “Đi như vậy sẽ gần hơn khoảng 100 km, tiết kiệm cả triệu đồng. Đó là chưa nói đến việc sẽ tránh phải đi trên QL1 vào thời điểm gần Tết, phương tiện đông, lại đang thi công mở rộng”, anh Phi nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thành Trung, thương lái chuyên buôn nông sản từ Đắk Lắk xuống TP HCM cho biết: “Trước kia, mỗi tháng, chúng tôi chỉ chạy được 10 chuyến, nhưng giờ đường tốt hơn nhiều, chúng tôi có thể đi được 15 chuyến, giảm chi phí đầu tư cho vận tải. Như vậy chúng tôi có thể tăng giá nông sản khi mua của nông dân để cạnh tranh với thị trường ngày càng khốc liệt”.
Một nhân viên quản lý Siêu thị Co.opmart, TP Buôn Ma Thuột, tính toán: “Nhờ đường đẹp hơn, chi phí vận chuyển giảm, giá xăng dầu cũng giảm đáng kể nên Tết này, chúng tôi đang tính toán đồng loạt hạ giá các sản phẩm từ 5-10%”.
Ông Lữ Ngọc Cư, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng chia sẻ, Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM cần đốc thúc các nhà thầu, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ vì nhân dân Tây Nguyên đang mong mỏi từng ngày dự án hoàn thành. Đây là con đường mang tầm vóc của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực... Nếu tuyến đường đẹp, các tỉnh dứt khoát sẽ áp giá vận tải xuống thấp hơn cho phù hợp thực tế. Như thế, ngân sách các tỉnh mỗi năm tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.
Trắng đêm thi công để đẩy nhanh tiến độ
Để đẩy nhanh tiến độ, Ban QLDA đường HCM đã đề nghị Bộ GTVT khen thưởng cho những nhà thầu thảm nhựa 100% đối với lớp 1, đồng thời phấn đấu thảm nhựa lớp 1 trên toàn tuyến đạt 70%. Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện nhà thầu Sơn Hải cho biết đã tập trung thiết bị máy móc để thi công, cam kết với Bộ GTVT sẽ thảm nhựa đủ hai lớp trước Tết Nguyên đán 2015. Tương tự, nhà thầu Đông Hưng (QL14 qua Đắk Lắk) tranh thủ thảm nhựa ngay khi mùa khô vừa tới.
Không chỉ các nhà thầu thi công dự án Trái phiếu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, các nhà đầu tư BOT cũng đang thúc đẩy các nhà thầu “tăng tốc”. Nhà đầu tư BOT đoạn Cầu 38 - Đồng Xoài (Bình Phước), do Công ty CP BOT Đức Thành Gia Lai đầu tư cũng cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT sẽ hoàn thành dự án trong tháng 3/2015, trước ba tháng so với kế hoạch. Để làm được điều này, ngay khi mùa mưa vừa dứt, Công ty Đức Thành Gia Lai đã chỉ đạo cho các nhà thầu thi công 24/24h.
Ông Phạm Thành Nam, Phó Tổng giám đốc CTCP Đức Thành Gia Lai cho biết, đến Tết Dương lịch 2015 đơn vị đã thảm nhựa được 100% mặt đường, bảo đảm tốt cho các phương tiện lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.
“Đối với các hạng mục ra đá cấp phối, ban ngày nhà thầu tổ chức rải đá, ban đêm lu lèn. Với các hạng mục thảm bê tông nhựa, ban ngày làm sạch mặt đường, tưới lớp nhựa thấm bám, chiều tối bắt đầu thảm bê tông nhựa. Riêng đối với thảm bê tông nhựa, các nhà thầu phải bảo đảm đủ ánh sáng”, ông Phạm Thành Nam cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận