Những người hùng không nghĩ đến thiệt hơn, đến an toàn của chính mình, đã lao vào lũ dữ cứu hơn 200 người gặp nạn |
Sáng 6/11, hàng trăm người dân, hầu hết là phụ nữ và trẻ nhỏ đã tập trung trước khu vực cầu cảng thuộc tổ 9 (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) để đón người thân vừa thoát khỏi bàn tay của tử thần. Vừa bước xuống thuyền, chị Trần Thị Lý (40 tuổi) ôm chầm lấy người thân, nói như bật khóc: "Thoát rồi, sống rồi!". Hơn 2 ngày nay một mình chị và con chó ở bãi Tranh cố gắng sinh tồn bởi sóng đánh bật lồng bè nuôi tôm hùm. Chị Lý cố gắng bám víu vào phao, trôi dạt vào bãi Tranh. Chỉ tay về phía nhóm thanh niên đang sửa soạn lại thuyền, chị cho biết đó chính là những người đã phát hiện và cứu mình. Họ đã làm công việc cứu người hơn hai ngày nay.
Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh, cơn bão số 12 đã làm 6 người chết, hơn 60 người bị thương nặng, hơn 12.400 lồng bè bị mất trắng, ước thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng. |
Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Ba Luân (SN 1980) cho biết, mọi người trong nhóm vẫn đang rảo khắp vịnh để tìm bà con. Kể về công việc của mình, anh Luân cho biết, nhóm anh vốn hoạt động du lịch, mua sắm ca nô để phục vụ khách tham quan đảo Điệp Sơn và khu vực lân cận. Sáng 4/11, bão Damrey đổ bộ, cuồng phong cuốn bay toàn bộ lồng bè của người dân tại vịnh Bắc Vân Phong. “Đứng trực ở địa bàn, chúng tôi thấy có một ngư dân mặc áo phao đang cố gắng vào bờ vội lao ra cứu. Ông nói còn 3 người nữa vẫn còn mắc kẹt ngoài kia, đang bám vào thùng phao”, anh Luân kể lại. Thế nhưng, lúc đó bão cấp 12 với con sóng cao 5-6m khiến nhóm anh Luân không thể làm gì. Đến 16h, anh Luân và một thành viên khác quyết định vượt sóng ra cứu 3 thành viên còn lại. Vừa ra được vài hải lý đã phát hiện thêm một số bà con đang bám vào thùng phao, trôi dạt trên biển. Ai nấy đều mệt mỏi, người run bần bật, có thuyền đi trong bão, họ mừng rớm nước mắt.
Kéo lên thuyền, anh Luân và đồng đội vội cởi áo mưa, quần áo đang mặc để giữ ấm cho họ. Chuyến đó nhóm anh Luân cứu được 8 người dân. Biết vẫn còn nhiều người bị nạn trên biển, anh Luân quyết định kêu gọi số anh em còn lại cùng tham gia với mình. Lúc này, trời đã tối, biển vẫn còn dữ dội nhưng nghe tin tất cả đểu nhanh chóng có mặt, sẵn sàng lên đường cứu người. Hai người một chiếc cano thay nhau điều khiển trong bão biển, 3 chiếc chạy theo 3 hướng bắt đầu quần thảo vịnh Bắc Vân Phong.
Video: Người hùng kể lại phút liều mình đối đầu với sóng dữ cứu người (Trong video: anh Hoàng Quốc Trường - một người trong nhóm thanh niên vượt sóng dữ cứu hơn 200 người giữa tâm bão 12)
Nghe tin có nhóm thanh niên trong làng đi cứu người, nhiều bà con trong vùng có người thân vẫn còn ở lại ngoài các lồng bè chạy đến báo tin. Bà Lê Thị Nhung, sống ngay gần cầu cảng cho biết, đêm đó, chồng và 12 lao động vẫn còn trên lồng bè để canh giữ. “Bão vào đã đánh tan tất cả, một lao động mất tích, chồng báo vào nói anh em đang bám phao, sợ trụ không nổi. Tôi sợ quá vội chạy báo nhóm Luân. 2 tiếng sau đưa được họ về. Cả nhà ôm chầm mà khóc”, bà Nhung kể lại.
Do biển động mạnh nên việc di chuyển rất khó khăn, lại di chuyển trong đêm tối nên các thành viên phải vận dụng tất cả các kỹ năng có thể để tìm người: Người lái, người dùng đèn pin rọi khắp nơi, hễ thấy phao nổi là tấp vào xem có người ôm không bởi rất có thể họ bị ngất xỉu vì kiệt sức.
Anh Luân kể thêm, theo tiêu chuẩn, chiếc ca nô chở được 20 người, nhưng khi tập hợp được đủ chạy về thì phát hiện thêm nhiều nhóm nữa, thế là tập trung đưa họ lên thuyền. Có chuyến cứu được hơn 30 người.
Cứ thế, vừa đưa được nhóm này vào bờ, họ lại lập tức đổ đầy xăng lao mình vào bão biển tiếp tục tìm người. Liên tục quần thảo trên biển hơn 13 tiếng, nhiều thành viên trong đội bị kiệt sức, sốt nằm viện như anh Hồ Thành Phi. Còn số người được cứu, ai cũng ngơ ngác nhưng họ nhẩm tỉnh chắc cũng trên 200 người. “Vẫn còn nhiều bà con bị mắc kẹt lại trên đảo, giờ chúng em đi tìm tiếp”, anh Tường tâm sự.
Thủ tướng biểu dương Nguyễn Bá Luân và đồng nghiệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư biểu dương anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp, trong khi cơn bão số 12 đang hoành hành, đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển. Trong thư gửi anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam, tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng nhấn mạnh, với sự nỗ lực cao nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà bão số 12 gây ra cho nhân dân. Tuy nhiên, do sức tàn phá lớn, bão đổ bộ vào khu vực lâu nay ít chịu ảnh hưởng của bão, kết hợp với mưa lớn nên đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của người dân, nhiều gia đình chịu cảnh đau thương tang tóc. "Tôi rất xúc động được biết trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần nghĩa hiệp, trách nhiệm và tình người sâu sắc của anh Nguyễn Bá Luân và các đồng nghiệp. Hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta", Thủ tướng viết. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân cả nước tiếp tục chung sức giúp người dân bị ảnh hưởng của bão, lũ. "Tôi yêu cầu lãnh đạo các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đồng bào sớm ổn định cuộc sống và sản xuất; không được chủ quan trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, chủ động có các biện pháp phòng, tránh và cứu hộ, cứu nạn cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân khi có thiên tai, mưa lũ lớn xảy ra", Thủ tướng nêu rõ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận