Theo Washington Post, nhiều ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện không ít đoạn video cho thấy các đoàn tàu, đoàn xe chở lượng lớn phương tiện, trang thiết bị quân sự như tên lửa, xe tăng… di chuyển tới khu vực phía Tây và Nam nước Nga.
Tờ Washington Post dẫn các nguồn tin giấu tên, nhận định, những biến động gần đây của Nga một lần nữa gây quan ngại tương tự như động thái Moscow thực hiện hồi tháng 4.
Giới chức Mỹ, Châu Âu bắt đầu phát hiện ra các hoạt động điều quân đáng kể nói trên sau khi Nga kết thúc cuộc tập trận quân sự với Belarus, được gọi là Zapad 2021 hồi giữa tháng 9.
Ông Michael Kofman - Giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga thuộc CNA, tổ chức phân tích phi lợi nhuận có trụ sở ở bang Virginia, Mỹ cho biết: “Vấn đề ở chỗ: Đây không phải là tập trận hay huấn luyện. Hẳn là đang có chuyện gì đó”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới thăm các đơn vị tiền tuyến sát biên giới với Nga tại thời điểm Moscow dồn quân tới sát biên giới hồi tháng 4. Ảnh - Reuters
Theo ông Kofman, hình ảnh vệ tinh cho thấy tập đoàn quân hợp thành thứ 41 của Nga thường đồn trú gần thành phố Novosibirsk, Siberia đã không quay trở lại căn cứ sau tập trận, thay vào đó lại liên kết với các lực lượng khác của Nga gần biên giới Ukraine.
Cũng theo ông Kofman, một số ảnh vệ tinh cho thấy tập đoàn xe tăng cận vệ số 1 của Nga – một đơn vị thiết giáp tinh nhuệ đóng ở ngoài thủ đô Moscow, cũng đang di chuyển quân bị về phía Ukraine.
Trước đó, ngay sau khi Nga-Belarus kết thúc cuộc tập trận Zapad 2021, ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cũng cảnh báo, Nga đã để lại trang thiết bị tại khu vực huấn luyện dọc biên giới với Ukraine.
Ông Danilov ước tính, lượng quân Nga được triển khai dọc biên giới Ukraine vào khoảng 80.000 – 90.000, không bao gồm 10.000 quân đồn trú tại bán đảo Crimea.
Những nghi vấn Nga điều quân tới gần biên giới Ukraine gây lo ngại vì căng thẳng giữa Nga – Ukraine leo thang, Moscow ngày càng thể hiện quan điểm cứng rắn với Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều quan chức cấp cao của Nga từng nhấn mạnh, việc NATO tăng cường hoạt động tại Ukraine chính là “giới hạn đỏ” đối với Moscow. Đồng thời Moscow còn chỉ trích Ukraine đang bị các quốc gia phương Tây kiểm soát để xúi giục chống lại Nga.
Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine kéo dài từ năm 2014 tới nay, xuất phát từ nhiều vấn đề trong đó chủ yếu liên quan tới việc bán đảo Crimea trưng cầu dân ý và đồng thuận ly khai khỏi Ukraine, sáp nhập về Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận