Kinh tế

WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,4%

06/10/2014, 12:29

Theo dư báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2014.

img

Ngày 6/10, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Sandeep Mahajan – Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 5,4% trong năm nay, thấp hơn mức 5,8% mà Chính phủ dự báo.

Dự báo này của WB dựa trên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và có thể thay đổi nếu có những đột biến trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan khẳng định, mức dao động quanh ngưỡng tăng trưởng 5,4% sẽ không lớn.

Trong Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam được nhìn nhận có điều kiện phù hợp để tăng xuất khẩu, và nền kinh tế sẽ hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Báo cáo còn chỉ ra, hiện ở Việt Nam, hoạt động đầu tư yếu ớt phản ánh những nhân tố cơ cấu và do những tác động cộng lực của thị trường bất động sản èo uột. Vấn đề cơ cấu kinh tế cũng là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam.

Một vấn đề Báo cáo lưu ý, là sự giảm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trong năm nay và năm tới do Chính phủ nước này đang cố gắng đưa nền kinh tế phát triển bền vững hơn với các chính sách nhằm giải quyết yếu kém về tài chính và những điểm nghẽn mang tính cơ cấu của nền kinh tế.

Về khuyến nghị, Báo cáo tập trung vào hai vấn đề hết sức quan trọng trong trung hạn mà các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt. Thứ nhất, cần phát triển kỹ năng phục vụ cho thị trường lao động (gồm cả kỹ năng nhận thức lẫn kỹ năng phi nhận thức như ứng xử, tố chất cá nhân, chuyên môn nghiệp vụ…). Các hệ thống giáo dục cần tập trung vào chất lượng, tăng cường mức độ tự chủ, thiết thực, phù hợp cho người học.

Thứ hai là vấn đề di cư và phát triển. Các nước xuất khẩu lao động nhiều (như Việt Nam) và các nước thu nhận lao động trong khu vực cần cung cấp thông tin, quản lý, tạo điều kiện để người lao động đem lại năng suất tốt nhất, giúp nguồn lao động di cư thành nguồn bổ sung lao động hữu hiệu, giảm nhẹ những tác động bất lợi và giảm mâu thuẫn xã hội.

Quỳnh Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.