Tại buổi cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) sáng10/10, WB nhận định trong trung hạn triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực, tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 7,1% năm 2018 xuống quanh 6,6% năm 2019 do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn.
Cơ quan này cho rằng, Việt Nam dường như hưởng lợi bởi chuyển dịch hướng xuất khẩu khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang. Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng 33% so với cùng kỳ, chiếm 22% tổng kim ngạch của cả nước. Theo WB, có lẽ Việt Nam được hưởng thêm thị phần của các mặt hàng của Trung Quốc suy giảm do bị Mỹ áp thuế khẩu cao hơn, chẳng hạn điện thoại và kinh kiện, máy tính, hàng may mặc, da giày, đồ gỗ, thép và nhựa.
Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất định cao hơn và khả năng các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn. Việt Nam còn có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo vệ thương mại khác của Mỹ khi thặng dư thương mại với nước này ngày càng tăng lên.
Theo dự báo của cơ quan này, xuất khẩu của Việt Nam ước giảm từ 16,3% năm 2018 xuống 7,2% trong nửa đầu năm nay, tốc độ thấp nhất kể từ 2016. Dù vậy, tốc độ này vẫn cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu và Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Về nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp giảm tốc chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi bùng phát và thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, tăng trưởng công nghiệp và xây dựng cũng chững lại nhưng khu vực dịch vụ tiếp tục hưởng lợi khi tiêu dùng hộ gia đình vẫn ở mức cao nhờ việc làm và thu nhập được cải thiện. Chuyên gia WB cho rằng, đây chính là hai động lực của nền kinh tế.
WB cho rằng, yếu tố căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây áp lực cho đà tăng trưởng của Việt Nam. Trong nước, công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể tác động bất lợi về tài chính - vĩ mô và làm suy giảm tăng trưởng trong dài hạn.
Theo WB, tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục giảm trong hai năm tiếp theo là 2020 và 2021 xuống tốc độ bền vững hơn với 6,5%. Mức tăng trưởng này được cho là phù hợp hơn với sản lượng tiềm năng.
Còn về lạm phát, cơ quan này đã tăng dự báo cả hai năm 2020 và 2012 lên 3,5% (từ 3% năm 2019) nhưng giai đoạn 2019-2021 lạm phát dự kiến ở Việt Nam vẫn thấp hơn chỉ tiêu 4% mà Chính phủ đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận