Khán giả tiếc nuối
Đêm 17/6, trên các diễn đàn mạng xã hội xôn xao thông tin về một trang web xem phim lậu lớn nhất Việt Nam: Phimmoi.net, đã chính thức bị chặn bởi các nhà mạng. Theo đó, khi vào Phimmoi.net, người dùng nhận được thông báo không thể tìm thấy địa chỉ IP của máy chủ.
Khi cố gắng truy cập vào tên miền phimmoi.net, người dùng chỉ nhận được thông báo "Trang này hiện không hoạt động". Tuy nhiên, khi sử dụng mạng riêng ảo, người dùng vẫn vào được trang và xem phim bình thường.
Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc việc website không truy cập được là do đã bị nhà mạng tại Việt Nam chặn. Ở thời điểm hiện tại, ít nhất ba nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam đã chặn website này là VNPT, MobiFone và FPT.
Không riêng Phimmoi.net, một số website chiếu phim lậu tương tự như dongphim.net, vtv16.info cũng bị chặn truy cập.
Với các "mọt phim", đây là những trang web "nhẵn mặt". Tại đây phim mới được cập nhật liên tục, thậm chí những tác phẩm đang chiếu ngoài rạp vẫn có thể tìm thấy bản cam (bản quay lén) ở đây. Đôi khi phim trên trang web này còn đa dạng và cập nhật nhanh chóng hơn cả trên các trang web trả phí. Chính bởi lý do này mà ngay khi trang web này bị chặn, không ít người tỏ vẻ khá nuối tiếc.
"Một người thường xem phim lậu như mình lặng lẽ rơi nước mắt", "Biết là phận nghèo hèn không tránh khỏi bị khinh thường, nhưng đâu phải ai cũng có tiền xem Netflix đâu mọi người", "Tôi đang xem dở phim mà giờ không vào được nữa",... là một số bình luận của khán giả.
Thu tiền tỷ nhờ chiếu phim "0 đồng"
Theo thống kê vào tháng 1/2020 của We Are Social, trang web phim lậu Phimmoi.net đang đứng ở vị trí thứ 14, với 5,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Tại đây, trang web chứa hàng trăm nghìn bộ phim, chương trình truyền hình được phát lậu, không có bản quyền. Trang web này đạt từ 60 triệu đến 80 triệu lượt truy cập mỗi tháng (theo SimilarWeb). Cá biệt có thời điểm tháng 3 năm nay khi tên miền này đón tới hơn 100 triệu lượt truy cập.
Mặc dù hoạt động bất hợp pháp nhưng trang web lậu này vẫn đang thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, dựa vào lượng người xem khổng lồ và các hợp đồng quảng cáo trực tuyến và chi phí bỏ ra để duy trì một kênh phim lậu gần như bằng 0.
Theo đó, các web phim lậu thường sử dụng sever của chính Google và Facebook để lưu trữ và chiếu những bộ phim không có bản quyền bằng cách đăng tải video phim lên Fanpage trên Facebook và để ở chế độ riêng tư, tránh Facebook dùng cơ chế lọc bản quyền. Sau đó, các kênh phim lậu này sẽ dùng một công cụ (tool) để lấy liên kết (links) về trang phim để phát cho người xem miễn phí.
Theo một bảng giá được cho là của website này, một quảng cáo dạng video được chạy trước khi phim chiếu và cho phép người dùng tắt sau 5 giây có thể lên tới 18 triệu/ tuần. Cùng thời điểm, quảng cáo dạng balloon với kích thước 800×500 cũng có báo giá 18 triệu/ tuần.
Ngoài ra, các ô quảng cáo xung quanh cũng có giá lên tới 25 triệu đồng/tuần, và mỗi lượt xem quảng cáo ở đầu tập phim cũng sẽ mang về cho kênh 20.000 đồng/người/quảng cáo.
Lấy lại vị thế cho truyền hình trả phí
Trong những năm gần đây, dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc để dẹp bỏ thị trường phim lậu, một số trang web lớn đã phải chuyển đổi mô hình như hayhaytv, hoặc bị đóng cửa như Phimmoi.net, nhưng những trang web lậu khác như dongphim.net, javphim.net, phimsd.org, vtv16.tv… vẫn tiếp tục tồn tại.
Theo Viettel Media, 95% các nội dung truyền hình, điện ảnh - những nội dung có sự đầu tư về chi phí sản xuất rất lớn, đã bị khai thác tràn lan bởi các dịch vụ lậu như Phimmoi.net.
Thực tế, việc xem phim lậu tại Việt Nam vẫn là một thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, đây được cho là một hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho các ê-kíp làm phim, những người bỏ tiền và chất xám ra để làm nên những tác phẩm nghệ thuật cần được trả phí.
Đặc biệt trong thời điểm thị trường truyền hình trả phí ở Việt Nam đang có tín hiệu tích cực trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 8.300 tỉ đồng, tăng 2,4% so với năm 2018 (8.100 tỉ đồng).
Hiện, doanh thu phần lớn nằm ở các "ông lớn" từ nước ngoài như: Netflix, iFlix, WeTV... Đơn cử, sau 4 năm xâm nhập thị trường Việt Nam, doanh thu của Netflix mỗi năm lên đến 30 triệu USD. Nhìn được cơ hội của lĩnh vực màu mỡ này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đổ xô đầu tư như: MyTV, VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, FPT Play và K+.
Như vậy, rõ ràng với hành động quyết liệt này của các nhà mạng, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt "kỷ nguyên xem phim chùa" để chào đón văn hoá xem phim trả phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận