Thời sự Quốc tế

WHO sẽ ra sao khi Tổng thống Trump tuyên bố lập tức dừng tất cả tài trợ?

15/04/2020, 09:26

Tuyên bố này rõ ràng đang nhằm vào Tổng giám đốc WHO, người mà Mỹ cho là chỉ tập trung vào bênh vực Trung Quốc.

img
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Hoa Kỳ sẽ ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới vì phản ứng với đại dịch Covid-19. Tuyên bố này rõ ràng đang nhằm vào ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO, người mà Mỹ cho là chỉ “tập trung vào bênh vực Trung Quốc”.

Ngừng cấp tiền ngay lập tức, chuyển đến nơi cần hơn

Theo Fox News, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố trong cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19 tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng hôm thứ Ba rằng Mỹ sẽ ngay lập tức dừng tất cả nguồn tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc rằng WHO đã đặt “sự bào chữa về chính trị cao hơn các biện pháp cứu sinh".

Cũng tại cuộc họp, ông Trump cho biết các kế hoạch hạn chế sự đóng cửa đối với kinh tế quốc gia đang được hoàn thiện, và ông sẽ ủy quyền cho các thống đốc của từng bang gỡ bỏ hạn chế khi họ thấy phù hợp và Nhà Trắng sẽ không đặt "bất kỳ áp lực" nào lên các thống đốc cho những quyết định như vậy.

Tổng thống Trump cũng đã công bố một danh sách dài tên của những người trong giới kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và thể thao... sẽ làm nhiệm vụ tư vấn cho ông về cách khởi động lại nền kinh tế trong từng lĩnh vực.

"Chúng ta phải đưa các môn thể thao trở lại. Tôi đã mệt mỏi khi phải xem các trận bóng chày cũ rích, có từ cách đây 14 năm (ám chỉ các kênh truyền hình dừng sản xuất, chiếu lại toàn các chương trình tư liệu" - ông Trump nhận xét.

Ông Trump cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện một cuộc điều tra kéo dài từ 60 đến 90 ngày để trả lời câu hỏi “tại sao việc WHO chỉ tập trung vào Trung Quốc đã gây ra "nhiều cái chết" và "quản lý sai lầm, che đậy thông tin nghiêm trọng" về sự lây lan của dịch Covid-19, bao gồm việc tổ chức này phản đối các hạn chế du lịch đối với Trung Quốc mà Mỹ đã tiến hành.

Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO và Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã lên kế hoạch cung cấp cho cơ quan này 893 triệu USD trong giai đoạn cấp vốn hai năm hiện tại. Theo tuyên bố của ông Trump, Hoa Kỳ đóng góp từ 400 đến 500 triệu USD mỗi năm cho WHO, trong khi Trung Quốc chỉ cung cấp khoảng 40 triệu USD.

“Số tiền tiết kiệm được sẽ được chuyển đến các khu vực cần nhất", Tổng thống Donald Trump khẳng định.

"Chúng tôi có những lo ngại sâu sắc về việc liệu sự hào phóng của Mỹ có được sử dụng tốt nhất có thể hay không", ông Trump nói, cáo buộc WHO đã không giữ cho cộng đồng quốc tế được thông báo về mối đe dọa của đại dịch Covid-19.

"WHO đã thất bại trong sứ mệnh này và phải chịu trách nhiệm", ông Trump tiếp tục.

Ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng WHO đã bỏ qua "thông tin đáng tin cậy" vào tháng 12 năm 2019 rằng virus có thể truyền từ người sang người.

Truyền thông Mỹ điểm lại các tuyên bố của WHO

img
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo đài Fox News, ngay từ cuối tháng 12, các nhân viên y tế Vũ Hán đã bị nghi mắc bệnh, cho thấy khả năng lây truyền từ người sang người.

Vào ngày 4/1, trong một tuyên bố lần đầu tiên được ghi nhận bởi tờ The National Review, người đứng đầu Trung tâm Nhiễm trùng của Đại học Hồng Kông cảnh báo rằng thành phố nên thực hiện hệ thống theo dõi nghiêm ngặt nhất có thể đối với bệnh viêm phổi siêu vi mới chưa rõ tung tích khi đó đã lây nhiễm cho hàng chục người ở đại lục, vì rất có khả năng bệnh tật đang lây lan từ người sang người. "

Chính phủ Trung Quốc khi đó cũng bắt đầu kiểm soát các tin tức về dịch virus, thậm chí bắt giam giữ bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã chết vì virus Corona chủng mới sau khi cố gắng cảnh báo cộng đồng quốc tế về mối đe dọa này.

Tuy nhiên, vào ngày 8/1, WHO đã tuyên bố: “Nhận dạng sơ bộ về một loại virus mới trong một thời gian ngắn là một thành tựu đáng chú ý và chứng tỏ Trung Quốc đã tăng cường khả năng quản lý các ổ dịch mới".

img
Dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Một lần nữa, vào ngày 14/1, WHO chỉ đơn giản lặp lại các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc: “Các cuộc điều tra sơ bộ do chính quyền Trung Quốc tiến hành đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc truyền từ người sang người của virus 2019-nCoV được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc.”.

Đến ngày 19/1, theo kênh truyền hình Mỹ, “WHO đã thay đổi một chút thái độ và giọng điệu của mình nhưng vẫn bảo vệ các tuyên bố của Bắc Kinh” khi cho rằng “không đủ căn cứ khoa học để đưa ra kết luận chắc chắn về cách lây truyền, các đặc điểm lâm sàng của bệnh, mức độ lây lan hoặc nguồn gốc của virus".

Mỹ cho rằng mình là nạn nhân của thông tin sai lệnh

img
Thành phố New York của Mỹ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu ở Hoa Kỳ và là thành viên chủ chốt của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Tổng thống Trump, đã tuyên bố rằng thông tin sai lệch từ Trung Quốc, được lặp lại bởi WHO, đã ảnh hưởng đến nỗ lực phản ứng của Hoa Kỳ.

Một số tổ chức truyền thông cũng đã trích dẫn một cách không chính thức những lời đảm bảo của WHO về dịch Covid-19 - kênh Fox News cho hay.

Fox News - một trong những kênh truyền thông mà Tổng thống Trump ưa thích viết rằng, thậm chí, tờ Washington Post còn đăng một câu chuyện trích dẫn một quan chức Trung Quốc yêu cầu Mỹ "đồng cảm" Bắc Kinh trong dịch bệnh và chỉ trích Nhà Trắng vì đã có hành động "bất chấp khuyến nghị của WHO khi bắt đầu ban bố các hạn chế đi lại đầu tiên".

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã được Fox News nhắc đến khi viết rằng “chỉ vài giờ sau khi Trump tuyên bố hạn chế đi lại vào Trung Quốc vào ngày 31/1, Joe Biden đã chỉ trích "bài ngoại cuồng loạn" của Tổng thống Trump.

WHO sẽ ra sao sau quyết định mới của Trump?

Thông tin về việc chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định ngừng tài trợ thực sự là một cú sốc đối với tổ chức y tế lớn nhất hành tinh, một cơ quan quan trọng trực thuộc của Liên Hợp Quốc.

img
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Theo giới quan sát, việc Mỹ bất ngờ cắt tài trợ tiền được xem là một trong những động thái gây áp lực chính trị cực lớn của chính quyền Washington do ông Donald Trump làm chủ.

Hoạt động của toàn bộ WHO và các quan chức của tổ chức này sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới vì Mỹ là một trong những quốc gia có đóng góp bắt buộc và tự nguyện cho WHO nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, về cơ bản WHO vẫn hoạt động. Liên Hợp Quốc còn thì WHO vẫn sẽ tồn tại và thực hiện các sứ mệnh được giao phó bởi Mỹ không đóng góp thì vẫn có hoặc sẽ có các nhà tài trợ khác, Trung Quốc cũng có thể dùng cơ hội này để thay thế Mỹ.

Vị trí đang bị áp lực nhất trong bối cảnh này đó chính là chiếc ghế Tổng giám đốc WHO mà ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đang ngồi. Ông Tedros có thể ngồi lại hoặc ra đi nhưng vai trò của WHO là không thể thay đổi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thành lập ngày 7/4/1948 với 194 quốc gia, lãnh thổ là thành viên, là cơ quan đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, WHO có nghĩa vụ tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người.

img
Các quan chức của WHO.

Theo số liệu gần đây nhất, WHO sử dụng ngân sách 4,4 tỉ USD trong năm 2018 và 2019. Hầu hết số tiền này (hơn 800 triệu USD) được dành cho cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm. Gần 600 triệu USD được sử dụng cải thiện hệ thống y tế, nhất là ở các nước nghèo nhất. Các bệnh không lây nhiễm như đau tim, tiểu đường ngốn ngân sách 351 triệu USD.

Các quốc gia thành viên của WHO bỏ phiếu cho ngân sách WHO mỗi hai năm một lần. Chi phí hoạt động của WHO gồm hai khoản: đóng góp cố định và đóng góp tự nguyện. Các quốc gia thành viên đóng góp phần cố định theo các mức khác nhau tùy quy mô và mức sống mỗi nước.

5 quốc gia đóng góp hàng đầu gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức và Pháp đã đóng góp khoảng 60 triệu USD cho năm 2016 và 2017. Các khoản đóng góp tự nguyện chiếm khoảng 80% ngân quỹ đến từ của các quốc gia thành viên, các quỹ tư nhân và các tổ chức quốc tế.

Chỉ riêng năm 2017, Mỹ đã chi thêm hơn 400 triệu USD. Trong các tổ chức, hào phóng nhất là Quỹ Bill & Melinda Gates ở Mỹ với gần 325 triệu USD. Với hai khoản đóng góp cố định và tự nguyện, các quốc gia thành viên tài trợ 51% ngân quỹ của WHO.

Phần còn lại là đóng góp của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức liên chính phủ, các ngân hàng phát triển, các quỹ thiện nguyện, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác, lĩnh vực tư nhân và đại học.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.