World Bank cam kết hỗ trợ logistics Việt Nam |
Ông Lê Duy Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Diễn đàn Logistics ngày 15/12 cho biết, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics. Trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài.
Ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Ngân hàng thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam thứ 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Điểm nổi bật nhất của ngành logisticsViệt Nam là chi phí ở mức cao tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP (các nước phát triển từ 9-14%) nhưng chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP.
VLA đánh giá, đây là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ cạnh tranh gay gắt.
Tỷ lệ thuê ngoài của logistics Việt Nam cũng ở mức cao khoảng 35-40% do các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu chưa phối hợp với nhau.
VLA chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang bị hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là các doanh nghiệp không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất khẩu theo hình thức bên bán giao hàng lên tàu (FOB) và nhập tại cửa khẩu bên nhập (CIF), ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 và ra mắt trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn. Đây là kênh thông tin trao đổi nhanh và trực tiếp, nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nắm bắt và phản hồi thông tin kịp thời và hiệu quả. |
Ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp logistics vào phát triển kinh tế nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng chỉ rõ logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được.
Ông Tuấn Anh chỉ rõ như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau, cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, năng lực cạnh tranh chưa cao...
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về phát triển logistics, vì vậy Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị có giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành logistics xanh của Việt Nam để đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cần hợp tác với nhau, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Ông Ousman Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, coi đó là một nội dung trọng tâm xuyên suốt trong chiến lược phát triển và tăng trưởng.
Đặc biệt, WB cũng sẵn sàng cung cấp các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện kết hợp với hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận