Ngày 12/12, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Nghiên cứu Công khai thông tin đất đai tại Việt Nam. Nghiên cứu cho biết, 76% cán bộ, công chức trong lĩnh vực đất đai cho biết, điều mà họ thích nhất trong công việc của mình là vị trí công việc cho phép họ đặc quyền tiếp cận thông tin. “Thông tin là quyền lực, và khi bị giữ kín, khi một người nào đó được trao độc quyền về thông tin, điều đó tạo ra lợi ích và mở ra cơ hội cho tham nhũng”, nghiên cứu khẳng định.
Ngay cả khi không có tham nhũng, việc độc quyền thông tin vẫn tạo ra các trạng thái không hiệu quả khác, ví dụ như các nguồn lực không được sử dụng tốt nhất, cũng như chi phí giao dịch của doanh nghiệp tăng lên khi mỗi doanh nghiệp phải tự tìm kiếm thông tin.
WB cũng cho biết, so với năm 2010, đến nay việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam đã được cải thiện. Chẳng hạn, ở cấp tỉnh, thông tin công khai được nâng từ 32% năm 2010 lên 42% năm 2013, cấp huyện từ 25% lên 39%… Ở cấp tỉnh, thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các thông tin liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thông tin về giao đất… được công bố trên mạng, tại các trụ sở UBND tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường.
Các huyện cũng đã công khai bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; các tài liệu liên quan đến quá trình ra quyết định, như dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cũng như biên bản các cuộc họp thảo luận… Ở cấp xã, sự cải thiện chủ yếu tập trung vào các tài liệu và bản đồ liên quan đến quy hoạch sử dụng đất và danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tình hình cung cấp thông tin qua kiểm tra trực tiếp theo tỉnh, một số tỉnh vượt lên như Thanh Hóa, Vĩnh Long, Quảng Trị, một số tỉnh ở cuối bảng là Điện Biên, Sơn La, Khánh Hòa, Đồng Nai… Xếp hạng công khai trực tuyến thông tin lĩnh vực đất đai, đứng đầu là Cần Thơ, Hà Nội, Bến Tre…
Tuy nhiên, theo WB, thực tế công khai minh bạch thông tin về đất đai vẫn còn chưa đầy đủ so với yêu cầu của luật pháp. Nhiều cơ quan hành chính vẫn chỉ coi việc niêm yết thủ tục hành chính mang tính hình thức chứ không phải thực sự là để phục vụ nhu cầu của người dân như việc niêm yết ở góc phòng khiến cho việc tiếp cận những thông tin này bị hạn chế về tầm nhìn, hoặc bảng niêm yết ở ngoài trời, khu vực để xe...
Một số trường hợp, các thủ tục công khai không được cập nhật thường xuyên theo các quy định mới, địa phương ít chú ý tới duy tu bảng tin. Chính vì thế, người dân không thể sử dụng được thông tin đã niêm yết mà vẫn phải chờ xin chỉ dẫn từ cán bộ phụ trách. Các tài liệu liên quan tới kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất thường do cán bộ địa phương cung cấp khi có yêu cầu.
Bà Trần Thị Lan Hương, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu kể, ở nhiều tỉnh, huyện và xã, khi các nghiên cứu viên thực hiện khảo sát, các công chức thường từ chối cung cấp thông tin về đất đai với lý do “thông tin mật”, “cần phải có đồng ý của Chủ tịch UBND”, “cần có công văn giải thích lý do lấy thông tin”… Ở hai nơi, các nghiên cứu viên bị công an tạm giữ vì tội chụp ảnh. “Những trải nghiệm này cho thấy rõ ràng công chức vẫn chưa hiểu rằng cung cấp thông tin là một nghĩa vụ của công chức theo luật định, và công dân, dù không có thư giới thiệu, vẫn có quyền tiếp cận thông tin”, bà Lan Hương khẳng định.
“Nâng cao minh bạch trong quản lý đất đai là một vấn đề then chốt tại Việt Nam, nhằm sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định.
Do vậy, nghiên cứu kêu gọi Việt Nam thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin dưới hình thức một luật quy định nguyên tắc mọi thông tin là công khai trừ những thông tin nằm trong danh mục ngoại lệ. Và WB cũng cảnh báo, nếu cứ ba năm việc cung cấp thông tin được cải thiện từ 10-15% thì sẽ phải mất nhiều thập kỷ các cơ quan hành chính của Việt Nam mới tiệm cận với việc tuân thủ đầy đủ các quy định khá khiêm tốn về minh bạch theo luật pháp hiện hành.
“Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn phát triển các thể chế hiện đại cần có ở một nước có thu nhập trung bình, việc đẩy nhanh tiến trình này là một yêu cầu cấp thiết”, bà Kwakwa khuyến cáo.
“Báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam,” ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường phát biểu.
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận