Đe dọa, ép buộc, làm giá
Theo phản ánh của nhiều người dân, bên cạnh việc có dấu hiệu vi phạm quy trình tổ chức đấu giá đất ở của các đơn vị liên quan, thời gian gần đây, các phiên đấu giá tại Bắc Giang còn xuất hiện tình trạng các đối tượng xã hội đen ngăn cản, ép buộc người dân nhằm làm giá bất động sản.
Đơn cử, ngày 25/5 vừa qua, tại hội trường UBND thị trấn Bích Động, khi UBND huyện Việt Yên tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại khu dân cư thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến đã xuất hiện một nhóm người bặm trợn, xăm trổ ngăn cản người dân tham gia trả giá lô đất số 75 và 76 được cho là có vị trí đắc địa, nằm trong tầm ngắm của bọn chúng.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, sau đó, vẫn có 6 người vô tình trả giá lô đất này khiến hội trường được phen náo loạn. Ngay khi kết quả được công bố, các đối tượng trên đã ép buộc người trúng đấu giá là ông M.V.S, trú tại TP Bắc Giang từ chối kết quả. Thậm chí, chúng còn ngang nhiên “hạ lệnh” cho đấu giá viên phải dàn xếp cho ông S. và một số người liên quan hủy bỏ kết quả mà không mất tiền cọc theo quy định. Đồng thời, công bố các lô đất là của bọn chúng. Ai không nghe theo sẽ không được yên ổn.
“Thực tế, bọn chúng chỉ trả cao hơn giá khởi điểm vài trăm nghìn đồng, thấp hơn nhiều người tham gia khác. Trước sức ép của các đối tượng, ông M.V.S đã buộc phải từ chối kết quả, chịu mất tiền đặt cọc theo quy định”, một cán bộ tổ chức cuộc đấu giá trên nói. Sau đó, vụ việc đã được trình báo đến cơ quan công an nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Tại một số phiên đấu giá trên địa bàn TP Bắc Giang và một số huyện lân cận cũng có tình trạng tương tự. Theo đó, trước khi diễn ra các cuộc đấu giá đất, một số đối tượng xã hội đen trên địa bàn đã tiếp cận người dân để thông đồng, dàn xếp kết quả.
Trong đó, đầu tháng 6 vừa qua, trước thời điểm diễn ra các cuộc đấu giá đất tại TP Bắc Giang, một số lô đất đã được cắm biển chỉ đích danh đại ca giang hồ có tiếng trên địa bàn sở hữu. Cùng đó, thông điệp: “Lô đất đã có chủ, không ai được tham gia trả giá khi phiên đấu giá diễn ra” cũng được phát đi.
Xác nhận thông tin này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Đơn vị đã nắm được tình hình và chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự cùng Công an TP Bắc Giang và Công an huyện Việt Yên vào cuộc điều tra, kịp thời ngăn chặn tiêu cực. Tuy nhiên, do sợ bị trả thù, những người liên quan đã xin rút đơn kiến nghị gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Hệ lụy khôn lường
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký văn bản chỉ đạo các đơn vị, tổ chức thực hiện nghiêm quy định liên quan đến đấu giá tài sản. Nếu để xảy ra sai phạm, giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Sở Tư pháp làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc tổ chức đấu giá tài sản hiện nay. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi đe dọa, cản trở hoạt động đấu giá tài sản…
Có thể nói, việc xuất hiện các đối tượng xã hội ép buộc, dàn xếp nhằm dìm giá hoặc “lướt sóng” đẩy giá đất tại những phiên đấu giá lên cao là hiện tượng bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy xấu.
Bà Nguyễn Thị H., một người dân phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cho biết: “Tôi và một số người đã góp vốn tham gia và trúng đấu giá lô biệt thự tại Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang hơn 9 tỷ đồng.
Ngay khi kết quả được công bố đã có vị khách ở Hà Nội trả 11,5 tỷ đồng nhưng nhóm chưa đồng ý bán để chờ giá tăng thêm. Tuy vậy, sau đó bị xã hội đen phong tỏa thông tin, đe dọa người mua nên các giao dịch không thực hiện được, trong khi thời hạn chót nộp tiền nhận đất đã cận kề mà không biết huy động tiền từ đâu, cả nhóm đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng tiền cọc”.
Thông tin từ Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bắc Giang cho thấy, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn có khoảng 110 lô đất nhà đầu tư bỏ lại sau trúng đấu giá, chấp nhận mất hơn 10 tỷ đồng tiền cọc.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư chốt giá quá cao so với thị trường nên ngậm ngùi bỏ lại, tránh lỗ nặng hơn. Rất có thể con số này sẽ tiếp tục tăng lên vì với mức trúng đấu giá cao chót vót vừa qua, nhiều người sẽ không mạo hiểm mua vào. Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Giang cho thấy, chỉ trong quý I năm nay, dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất và đầu tư kinh doanh đất là gần 100 tỷ đồng. Thực tế, con số này sẽ cao hơn nhiều bởi có trường hợp làm hồ sơ vay vốn sửa chữa nhà cửa, mua sắm, tiêu dùng nhưng thực tế lại đầu tư vào đất đai.
Phân tích những lùm xùm trên, ông Đặng Văn Nguyên, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện đúng quy định về đấu giá tài sản. Có lợi ích nhóm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá khi chủ yếu được thực hiện theo hình thức chỉ định dựa trên các “mối quan hệ”.
Trước thực trạng trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang thành lập tổ công tác liên ngành có sự tham gia của Công an tỉnh cùng các Sở Tư pháp, TN&MT, Tài chính và Cục thuế tỉnh kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm liên quan. Các sai phạm liên quan đến kiến nghị cụ thể của người dân, Sở đang giao Thanh tra Sở phối hợp cùng Công an tỉnh làm rõ. Đến nay, đã có kết quả bước đầu, Sở đang chờ kết luận chính thức xử lý hình sự hay hành chính từ cơ quan điều tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận