Tân Sơn Nhất là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV - Ảnh: Tạ Tôn |
Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT cũng nhấn mạnh phải xã hội hóa nguồn lực mọi khâu, mọi cách. Vốn Nhà nước chỉ có thể là vốn mồi. Nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa còn ngành GTVT cần tận dụng nguồn lực những định chế tài chính trong nước, quốc tế để đầu tư phát triển hạ tầng.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang làm rất tốt công tác quan trọng này, bằng chứng là việc thu hút một nguồn vốn khổng lồ “chảy mạnh” vào các dự án giao thông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong lĩnh vực hàng không, cụ thể là hạ tầng hàng không, vốn xã hội hóa chưa nhiều, gần đây nhất mới có dự án CHK quốc tế Vân Đồn, Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng và Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh.
Trong khi đó, thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là hơn 230 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách và Trái phiếu Chính phủ là hơn 30 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn từ doanh nghiệp gần 24 nghìn tỷ đồng, vốn ODA hơn 60 nghìn tỷ đồng, số còn lại dự kiến phải huy động từ xã hội.
Đại diện TCT Cảng hàng không VN (ACV) cũng chia sẻ, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các CHK từ nay đến năm 2020 rất lớn, bình quân khoảng 5.500 tỉ đồng/năm. Giai đoạn này, ngành Hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng CHK, sân bay nên việc xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài là hướng đi không thể khác. Tuy nhiên, dù xã hội hóa đầu tư theo phương thức nào, cần phải đảm bảo các nguyên tắc, không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh quốc gia, không chuyển giao hoặc ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng vị thế độc quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận