Theo phản ánh của lãnh đạo UBND xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tới Báo Giao thông, vào tháng 8/2013 và 8/2015, xã được Vụ Dân tộc thiểu số, thuộc Ủy ban Dân tộc mời tham dự lớp tập huấn thực hiện Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới đối với các xã thực hiện mô hình thí điểm tại khu vực các tỉnh miền Trung.
Theo kế hoạch, sau tập huấn, mỗi địa phương sẽ được trích ngân sách 30 triệu đồng để thực hiện các hoạt động của mô hình, như: Tuyên truyền Luật Bình đẳng giới qua hệ thống truyền thanh của xã; xây dựng pa-nô, áp-phích; thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới... cho bà con đồng bào dân tộc Chứt – một dân tộc cực kỳ lạc hậu. Đánh giá về ý nghĩa chương trình này, ông Phan Thanh Lê, Phó chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: Dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh chỉ sinh sống duy nhất ở bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên. Tổng cộng chỉ có 41 hộ với 147 nhân khẩu – được xem là một dân tộc hết sức đặc biệt, nhất là những tập tục lạc hậu về hôn nhân cận huyết thống. Nếu chương trình được thực hiện sẽ đem lại giá trị rất lớn, ít nhiều làm thay đổi nhận thức cho đồng bào về bình đẳng giới.
“Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương đã gõ cửa nhiều nơi, làm nhiều thủ tục nhưng tiền vẫn “bặt vô âm tín”, ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho hay.
Bà Vi Thị Thanh, chuyên viên Phòng Dân tộc, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, năm 2013 và 2015, xã Hương Liên được mời tham dự lớp tập huấn về bình đẳng giới. Theo kế hoạch thì sau khi tập huấn, mỗi địa phương được trích 30 triệu đồng để thực hiện các hoạt động của mô hình. “Sau lớp tập huấn năm 2013, tôi đã điện thoại ra hỏi Ủy ban Dân tộc thì được biết tiền đã chuyển về Sở LĐ-TB & XH các địa phương. Tiền đó không nằm theo một gói riêng mà nằm trong kế hoạch chung. Vì tiền chuyển về bên đó nên phòng muốn phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động mô hình thí điểm cũng không được”, bà Thanh cho biết thêm.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Chung, chuyên viên Vụ Dân tộc thiểu số, cán bộ tiếp nhận danh sách đăng ký lớp tập huấn năm 2013 cũng cho biết: “Quá trình tập huấn, Ủy ban Dân tộc bỏ kinh phí. Còn sau khi tập huấn, ngân sách đã được gửi về cho các địa phương. Tuy nhiên, tiền được gửi về theo ngành dọc từ Bộ LĐ-TB&XH về cho Sở LĐ -TB&XH các tỉnh”.
Trong khi đó, liên hệ với Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh thì chúng tôi được ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động – Bình đẳng giới nói một cách chóng vánh rằng: “Hiện đồng chí phụ trách vấn đề này đã chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Chúng tôi sẽ tìm hiểu, kiểm tra lại và trả lời sau”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận