Bạn cần biết

Xà phòng gây ung thư: Mỹ cấm, Việt Nam bán tràn lan

10/09/2016, 17:21
image

Mỹ vừa chính thức ra lệnh cấm nước rửa tay, xà phòng diệt khuẩn chứa triclosan và 18 hóa chất độc hại khác.

12

Sản phẩm xà phòng bánh diệt khuẩn của BigC có chứa độc chất triclosan bị cấm tại Mỹ

Nước rửa tay, xà phòng bánh của BigC chứa triclosan

Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức ra quyết định cấm 19 loại hóa chất có trong các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn. Trong đó, hai chất gây nguy hiểm nhất là triclosan và triclocarban đã được chứng minh gây nhiều vấn đề về sức khỏe như kháng lại vi khuẩn hay ảnh hưởng tới nội tiết tố, thậm chí gây xơ gan, ung thư gan... Theo đó, lệnh cấm lưu hành trên thị trường đối với 2.100 sản phẩm diệt khuẩn, chiếm khoảng 40% số lượng trên thị trường xà phòng kháng khuẩn. Các nhà sản xuất sẽ có một năm để loại bỏ chúng khỏi sản phẩm hoặc ngừng bán ra thị trường.

Xem thêm video rơi lệ khoảnh khắc mẹ từ chối điều trị ung thư gặp con:

Trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý dược từng cho biết, cơ quan này không quản lý kem đánh răng và xà phòng diệt khuẩn. Theo đó, nhà sản xuất các mặt hàng trên chỉ phải làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ KH-CN (TCVN). Trước thông tin này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng TCVN cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã quy định rõ, Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với mỹ phẩm, hóa chất gia dụng, diệt khuẩn.

Tuy nhiên, theo khảo sát tại thị trường Việt Nam, các loại xà phòng rửa tay chứa triclocarban và triclosan vẫn được bày bán từ siêu thị cho tới các cửa hàng tiêu dùng. Phổ biến nhất là các thương hiệu: Clinsoap, Good look, Dr Clean, Kleen, Gervenne... được trưng bày khá bắt mắt với đủ các mùi hương, được quảng cáo vừa diệt khuẩn lại bảo vệ da tay. Tất cả những sản phẩm này trên nhãn đều ghi rõ thành phần chứa triclosan hoặc triclocarban, tuy nhiên, lại không rõ tỷ lệ sử dụng là bao nhiêu? Đáng nói, thành phần sát khuẩn triclocarban còn được tìm thấy tại sản phẩm tắm gội toàn thân cho trẻ em của nhãn hàng D-nee, được nhập khẩu từ Thái Lan.

Đặc biệt, tại siêu thị BigC, hàng loạt các sản phẩm nước rửa tay, xà phòng bánh của chính thương hiệu này sản xuất đều có chứa hai loại chất cấm trên như: Nước rửa tay hương đào, hương táo BigC; Nước rửa tay ngăn ngừa vi khuẩn BigC; Xà bông ngăn ngừa vi khuẩn BigC…

Ngày 8/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện BigC cho biết, đơn vị này đang liên hệ với cơ quan chức năng Bộ Y tế để nhận được câu trả lời xác đáng. “Tất cả sản phẩm bày bán trong siêu thị BigC đều đã trải qua khâu chứng nhận hợp chuẩn do cơ quan quản lý tại Việt Nam ban hành. Thông tin Mỹ ra lệnh cấm các sản phẩm có chứa triclosan, chúng tôi cũng sẽ chuyển tới các đối tác cung cấp để nắm thông tin và có hướng phối hợp xử lý”, vị đại diện này cho hay.

Chờ cộng đồng các nước ASEAN họp

Trước thực trạng sản phẩm diệt khuẩn chứa triclosan và triclocarban được sản xuất trong và ngoài nước hiện đang được bày bán tràn lan trên thị trường, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu báo cáo việc có hay không sử dụng 19 chất thuộc danh mục cấm của FDA. “Hiện, đã có một trong số các nhà sản xuất sản phẩm tẩy rửa lớn trong nước cho biết, trước đây họ có dùng các chất đang bị phía Mỹ cấm để sản xuất xà phòng rửa tay nhưng thành phần này đã được thay thế từ năm 2014”, đại diện Cục Quản lý dược thông tin.

Về vấn đề Việt Nam có nên cấm các hóa chất trong xà phòng diệt khuẩn theo danh mục chất cấm của Mỹ hay không, Cục Quản lý dược cho biết: Danh mục này sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị chung các nước ASEAN vào tháng 11 tới.

Được biết, quy định về quản lý mỹ phẩm tại Việt Nam hiện đang dựa theo Hiệp định Mỹ phẩm ASEAN. Theo đó, triclosan là chất được phép sử dụng với vai trò là chất bảo quản với hàm lượng không vượt quá 0,3% và có thể sử dụng với mục đích khác liên quan đến tác dụng diệt khuẩn của chất này.

Được biết, triclosan đang được sử dụng tương đối phổ biến trong nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm với vai trò là chất bảo quản và chất diệt khuẩn trong các sản phẩm như: Kem đánh răng, sản phẩm rửa tay, sữa tắm… Tuy nhiên, theo các chuyên gia hóa học, hiện có hơn 200 hợp chất hữu cơ để diệt khuẩn. Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nhà sản xuất hoàn toàn có thể thay thế triclosan bằng hợp chất khác có tính năng diệt khuẩn tương tự nhưng lại an toàn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.