Xác định 4 đường dây mua bán người
"Chúng tôi đã báo cáo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an các tỉnh thành liên quan tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây", đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Ảnh: Lê An
Vụ việc 42 người từ casino Rich World (tỉnh Kandal, Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi (có người gọi là Bình Di) để trốn về Việt Nam vào ngày 18/8 trong đó 40 người may mắn trở về an toàn, 1 người bị bắt lại và 1 người tử vong trong khi bơi về…
Khi Công an tỉnh An Giang xét hỏi 40 người nói trên, họ khai nhận thông qua không gian mạng và người quen, bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc, với lời hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao".
Theo đại tá Đinh Văn Nơi, quá trình ghi lời khai, Công an tỉnh An Giang bước đầu ghi nhận các dấu hiệu của tội phạm “Mua bán người” và “Đưa người xuất nhập cảnh trái phép”.
Từ đó, Công an An Giang tiến hành điều tra, phát hiện 4 đường dây “Mua bán người” ở các tỉnh thành. Họ móc nối với số đối tượng ở Campuchia đưa lao động người Việt vào các casino lao động bất hợp pháp.
Những lao động bỏ chạy khỏi casino trở về Việt Nam an toàn.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Lệ (SN 1980) và Lê Văn Danh (SN 1988) - cùng ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cả 2 bị tạm giữ để tiếp tục điều tra về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Theo thông tin ban đầu, từ khoảng tháng 5/2022, Lệ được 1 người đàn ông (không rõ lai lịch) rủ tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia.
Đôi bên thỏa thuận, sau 1 vụ đưa người vượt biên, Lệ sẽ được trả công 100.000 đồng/người. Sau đó, Lệ móc nối Danh cùng tham gia.
Trong số 40 người thoát khỏi casino Rich World (tỉnh Kandal, Campuchia), có 6 người được Lệ và Danh đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia trước đó.
Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh tại cơ quan điều tra.
Ngoài ra, 2 đối tượng này còn khai nhận, đã đưa trót lọt nhiều lần, nhiều người xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.
Nhiều người hụt hơi giữa dòng nước xiết
“Vào khoảng 9h45 sáng 18/8, đang chuẩn bị mở kho để lấy xe máy đi làm thì tôi nghe bên kia sông nghe tiếng la hét, đánh nhau ầm ầm.
Khi ra nhìn sang thì phát hiện nhiều người từ trên bờ nhảy xuống sông lội về bờ bên này. Lúc đó tôi truy hô, có thêm 2 người nữa cũng tôi chạy vỏ lãi ra để ứng cứu, chở vào bờ.
Cái vỏ lãi tôi chở đầy người thì quay vào bờ chứ không nhớ rõ là bao nhiêu người. Có rất có nhiều người không biết bơi, đã bắt đầu chới với sắp chìm.
Một số người biết bơi thì hỗ trợ kè những người không biết bơi. Một số khác thì tự bơi vào bè cá và được bà con trên bờ kéo lên. Những người bị thương thì được chăm sóc ban đầu”, ông Lê Bình Hổ (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện Long Bình, tỉnh An Giang) kể lại.
Ông Lê Bình Hổ kể lại vụ việc sáng 18/8.
Nhà ông Hổ nằm sát Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21. Ông có chiếc vỏ lãi, hàng ngày, cứ ai thuê chở gì thì ông nhận chở lấy tiền công…
Ông cho biết thêm: “May mà casino đối diện Chốt biên phòng, chỉ cách con sông Bình Ghi nên những người này nhìn thấy cờ Tổ quốc treo, xác định được bên đây bờ sông là Việt Nam.
Chứ tôi nghe nói khu vực này có đến 7, 8 casino, nhưng nó nằm sâu vào phía trong, người trong casino sẽ không nhìn thấy bên này”, một người dân ở khu vực này cho biết.
Đoạn sông Bình Ghi nơi 40 người bơi về và được cứu.
Sông Bình Ghi đoạn đối diện casino rộng khoảng 40m, sâu khoảng 4-5m. Lúc này đang vào đầu mùa mưa nên nước chảy cũng khá mạnh. Cũng may vào thời gian đó bà con khu vực đều có nhà và ghe đầu sẵn bờ sông nên ứng cứu kịp thời…
Ông Tống Văn Cao (60 tuổi, nhà gần đó), hôm 18/8 cũng dũng cảm bơi xuồng, lái vỏ lãi ra sông cứu hàng chục người về nước an toàn.
Theo ông Cao, ban đầu ông thấy đám người từ casino la hét, rồi nhảy xuống sông, ông cứ ngỡ chủ casino cho nhân viên tắm sông.
Chiếc vỏ lãi của ông Hổ.
Nhưng sau đó, ông quan sát và nghe thấy tiếng kêu cứu nên nhanh chóng bảo cháu và em rể cùng ông lái vỏ lãi, bơi xuồng ra sông cứu vớt 7-8 người đang hụt hơi giữa dòng nước xiết.
"Khi đưa họ vào bờ, dù còn rất mệt nhưng những người thoát thân ôm bà con khóc, nói lời cảm ơn" - ông Cao chia sẻ.
Từ khi hết dịch, casino hoạt động trở lại, chỉ tính gần 1 năm nay, ông Cao và ông Hổ cứu cả chục người Việt từ casino bơi về Việt Nam.
Các lao động này kể với người dân biên giới, họ bị đánh đập, bắt làm việc hơn 15h mỗi ngày… Nhiều lao động bị bán từ công ty này qua công ty khác, không chịu được nên đành liều nhảy xuống sông bơi về Việt Nam.
Clip ông Hổ kể lại sự việc:
Mơ về việc nhẹ lương cao, có người may mắn được trở về gia đình nhưng cũng có trường hợp phải ở lại nhiều năm vì không có tiền chuộc và bị bán giống như một món hàng.
Người dân cần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của bọn lừa đảo để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, khi phát hiện có đối tượng với thủ đoạn tương tự, cần liên hệ công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Riêng trên địa bàn tỉnh An Giang, thời gian qua, Công an tỉnh An Giang đã tiếp nhận 7 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia.
Trước thực trạng trên, thượng tá Nguyễn Hữu Thơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh An Giang khuyến cáo: “Qua các vụ việc trên, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh An Giang khuyến cáo người dân không nên nghe theo những thông tin tuyển dụng việc làm trên các trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo.
Nếu người dân muốn có nhu cầu về việc làm hay đi lao động ở nước ngoài thì nên tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận