Xã hội

Xác lợn bệnh trôi đầy sông, vứt đầy đường: Sẽ xử lý nghiêm để làm gương

13/05/2019, 13:10

Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm người dân và trách nhiệm lãnh đạo địa phương khi tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi không đúng kỹ thuật.

img
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định trường hợp tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi không đúng cần phải được xử lý nghiêm để làm gương

Sáng 13/5, trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Tính đến ngày 12/5, số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con, đây là con số thiệt hại rất lớn, cho thấy tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch. Trong khi đó, công tác chủ động, giám sát, phát hiện, công bố dịch chưa kịp thời.

Thưa ông, thời gian gần đây dư luận cho rằng dịch tả lợn châu Phi đang ở giai đoạn “vỡ trận”, nhiều địa phương có biểu hiện buông xuôi với tâm lý “lợn chết hết thì hết dịch”, người chăn nuôi kêu bị bỏ rơi giữa tâm bão dịch. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?

Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra vườn nhà, sông suối, ao, rạch...

Tại nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt/ni lon để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu lợn rơi vãi ra môi trường; lực lượng tham gia giết hủy lợn chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giảm thiểu sự phát tán và lây lan mầm bệnh trong quá trình tiêu hủy; các phương tiện, dụng cụ, quần áo của người tham gia tiêu hủy lợn chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.

Trước mức độ nguy hiểm của virus dịch tả lợn châu Phi mà cách xử lý như vậy sẽ rất khó khống chế dịch bệnh. Chính vì thế, Ban chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ, huy động lực lượng chức năng vào cuộc xử lý nghiệm trước hết vài trường hợp điển hình để làm gương cho các địa phương khác.

Để lợn bệnh chết vứt đầy đường, trôi kín sông, rõ ràng là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, thưa ông?

Quả thật đáng buồn với cách xử lý dịch bệnh như vậy. Ngày hôm qua (12/5), tôi đã trực tiếp cùng đoàn kiểm tra lên Bắc Giang. Ban đầu cán bộ địa phương báo cáo trường hợp xác lợn thả trôi sông rất ít. Tuy nhiên, từ thông tin người dân phản ánh, chúng tôi đã tới điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên), sau khi đã được xử lý vẫn còn hàng chục xác lợn chết trôi từ kênh mương. Ngay lập tức tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét tình trạng này xảy ra trên địa bàn của xã nào, huyện nào để có bước xử lý trách nhiệm.

img
Lợn chết đầy sân tại một hộ chăn nuối ở Bắc Giang song vắng bóng cán bộ thú y, người dân phải tự xử lý

Dịch phát tán rộng, lợn chết nhiều, có địa phương kêu hết kinh phí phòng chống dịch nên gần như buông xuôi, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi có biết thực trạng này?

Quả thực, đây là lần đầu tiên dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta cũng không thể lường đươc mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng nên việc dự phòng kinh phí địa phương có sự bị động. Do đó, Ban chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét nguồn kinh phí, nhanh chóng hướng dẫn địa phương cơ chế hỗ trợ đảm bảo kịp thời phòng chống dịch bệnh. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng trong xử lý dịch.

Dịch tả lợn châu Phi đã vào tới Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, vậy Bộ NN&PTNT có xem xét nâng cấp cảnh báo dịch bệnh để ứng phó?

Thời gian qua Bộ NN&PTNT đều công khai minh bạch tất cả điểm, số lượng lợn nhiễm dịch, không có chuyện giấu dịch. Trước tình hình dịch bệnh lây lan diện rộng, nguy cơ xảy ra đối với các tỉnh chưa có dịch cao, Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT cũng sẽ trình đề xuất lên Ban Bí thư TƯ Đảng ra chỉ thị huy động toàn xã hội, hệ thống chính trị vào cuộc phòng dập dịch.

Trong trường hợp tình trạng cấp độ lớn hơn, thiệt hại lớn hơn, nguy hiểm hơn, sẽ đề xuất ban bố pháp lệnh tình trạng khẩn cấp để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.