Thể thao

Xách vali lên và đi thôi Giáo sư!

28/02/2017, 18:43

Đã đến lúc Arsene Wenger nên rời khỏi Arsenal sau những cống hiến miệt mài nhưng không nhận lại được sự tôn trọng.

Wenger
Đã đến lúc Giáo sư Arsene Wenger nên rời Arsenal để được sống với chính mình

Kẻ giơ đầu chịu báng

Sau thảm bại 1-5 trước Bayern Munich tại lượt đi vòng 1/8 Champions League, làn sóng kêu gọi sa thải Wenger từ các cổ động viên của Arsenal trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi họ không chấp nhận việc đội bóng con cưng liên tiếp chịu số phận ‘kẻ lót đường’ ở sân chơi danh giá nhất cấp độ CLB và chỉ cạnh tranh Top 4 tại giải Ngoại hạng Anh.

Là huấn luyện viên trưởng, Wenger mặc định bị quy trách nhiệm chính trước thực trạng đáng buồn này. Song có thật sự ông là nguyên nhân của tất cả?

Câu trả lời là không. Là huấn luyện viên, ông chỉ vạch ra cách chơi và khích lệ động viên tinh thần các học trò còn các cầu thủ mới là những người thực thi trên sân. Kết quả của một trận đấu nhiều khi không nằm ở sa bàn chiến thuật mà phục thuộc vào màn trình diễn của các cầu thủ và cả… may mắn nữa.

Muốn có được thành tích tốt, một đội bóng cần có những cầu thủ tốt. Nhưng Ban lãnh đạo của Arsenal lại không tỏ ra quá mặn mà việc giữ chân hai ngôi sao sáng giá nhất Alexis Sanchez và Oezil như tuyên bố ‘không chấp nhận những đòi hỏi không thỏa đáng’ mới đây của Chủ tịch Chips Keswick.

Với đẳng cấp đã được thừa nhận của mình, nhiều đội bóng trên khắp châu Âu sẵn sàng trả cho Sanchez và Oezil hơn 200.000 bảng/tuần như mong muốn của họ. Vậy mà giới cầm quyền tại Emirates lại không sẵn sàng.

Wenger là người có toàn quyền quyết định ở khâu chuyển nhượng nhưng Ban lãnh đạo mới là những người chi tiền. Một khi những người này tỏ ra ‘hà tiện’ như vậy, liệu ông có thể kiếm được ‘trứng ngon ở trong siêu thị’ để chế biến thành ‘món ăn’ khoái khẩu?

Wenger-out
Cổ động viên của Arsenal không ngừng chỉ trích và kêu gọi sa thải Wenger

Thứ mà Ban lãnh đạo quan tâm chỉ là doanh thu, là lợi nhuận, là nền tảng tài chính bền vững và ổn định qua từng năm. Trong khi đó, người hâm mộ đội bóng chỉ quan tâm tới danh hiệu và thậm chí xem danh hiệu quan trọng hơn lối chơi, bản sắc.

Arsene Wenger vô tình bị kẹp chặt giữa hai ‘gọng kìm’ lớn này. Và cũng vì vậy, ông luôn trở thành tâm điểm của những chỉ trích, thậm chí là xúc phạm từ tất cả báo chí, truyền thông và ngay cả các cổ động viên trung thành.

Cây viết Giles Smith của The Times từng tổng kết ‘tội trạng’ của Wenger bằng kết luận đanh thép: “Wenger có tội lớn là lặp đi lặp lại những sai lầm, bao gồm không chịu tăng cường lực lượng ở những vị trí quan trọng và bảo thủ với lối chơi tấn công ngây thơ vốn luôn khiến đội bóng của mình có thể hở sườn bất cứ lúc nào…”.

Đi thôi Giáo sư!

Chẳng ai bảo ông là kẻ hèn nhát cả! Wenger ở Bắc London đã ngót hai thập kỷ và đấu tranh để đáp lại những chỉ trích, dè bỉu và cả sự khinh miệt. Vinh quang lắm mà cay đắng cũng nhiều.

Ngày Wenger lần đầu xuất hiện ở Highbury, báo chí Anh quốc mà cụ thể là tờ Evening Standard đặt dòng tựa đề: “Arsene nào cơ?” khi đưa tin về việc ông ký hợp đồng với Arsenal.

Wenger đến và mang theo những phương pháp huấn luyện hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là ở khâu dinh dưỡng. Ông cũng cấm triệt để các cầu thủ sử dụng rượu bia, vốn đang rất thịnh hành trong làng bóng đá Anh hồi đó.

Arsenal-Wenger
Arsenal là đội bóng đầu tiên và duy nhất vô địch với thành tích bất bại trong kỷ nguyên Premier League (mùa giải 2003/04)

Arsenal cán đích ở vị trí thứ Ba và giành chức vô địch Premier League cùng với Cúp FA trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên của Wenger. Ông trở thành nhà cầm quân ngoại quốc đầu tiên đoạt được cú đúp trong cùng 1 mùa bóng. Bấy giờ báo chí Anh và người Anh đã biết Wenger là ai rồi.

Dưới kỷ nguyên Wenger, Pháo thủ có sự lột xác ngoạn mục: từ một đội bóng có lối chơi thô cứng thành một tập thể cống hiến và được yêu thích bậc nhất châu Âu và thế giới. Chiến tích bất bại mùa giải 2003/04 vẫn là một cột mốc mà vẫn chưa một ai lặp lại được cho đến thời điểm hiện tại.

Cơ sở vật chất của Arsenal không ngừng được cải thiện dưới thời Wenger. Sân tập London Colney được nâng cấp và đặc biệt là Emirtes trở thành niềm tự hào của đội bóng vùng Bắc London bởi đây là một trong những nơi mà cầu thủ được ăn tập trong điều kiện, chế độ tốt nhất thế giới.

Hơn hai thập kỷ, Wenger chỉ tiêu có 136 triệu bảng từ giới chủ. Chưa kể những MU, Chelsea hay Man City mới nổi, số tiền thực chi của Arsenal thậm chí còn thấp hơn cả Liverpool và Tottenham. Vậy mà Pháo thủ vẫn đều đặn cạnh tranh chức vô địch Premier League và vượt qua vòng bảng tại Champions League.

Jose Mourinho có thành công với số tiền này? Câu trả lời chắc chắn là không. Còn Pep Guardiola? Không nốt. Claudio Ranieri làm nên lịch sử với một Leicester có tổng giá chuyển nhượng chỉ bằng một mình… Diego Costa. Nhưng chỉ 9 tháng sau Ranieri đã bị sa thải. Chỉ Sir Alex Ferguson mới sánh được với Wenger ở khoản này mà thôi.

So với ngày mới tới nước Anh, Giáo sư bây giờ trông già hơn rất nhiều, và đặc biệt là những nếp nhăn luôn hằn in trên gương mặt khắc khổ và chiếc áo khoác hỏng khóa. Gần 1/3 cuộc đời ông cống hiến cho Arsenal để rồi nhận lại những lời chỉ trích, thóa mạ và hơn thế…

Đã đến lúc Giáo sư từ bỏ tất cả những áp lực hiện tại để nhận những thứ thuộc về mình. Đọc sách, nghiên cứu khoa học, đấu tranh chống lại những bất công như ông vẫn từng làm hay đơn giản là đi du lịch...

Xách vali lên và đi thôi, Giáo sư!

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.