Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (giữa) |
Xẩm đá xéo, đuổi cướp biển
Bắt đầu từ chiều 25/6, nhóm xẩm Hà Thành đã phát hành MV xẩm đặc biệt “Tiễu trừ cướp biển”. MV là những lời lẽ đanh thép, hùng hồn lên tiếng tố cáo hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của Trung Quốc trong thời gian qua, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
“Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, đem quân ra cướp rồi lại bảo là của nước mình, ấy là tai ác... Quân cướp biển kia sao không chấp hành luật lệ quốc tế... Quân cướp biển kia, không mau mau cút, thì ta tiễu trừ...”. Những lời ca ấy được cất lên cùng nhiều giai điệu xen kẽ, khi là giọng đọc hịch Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, khi lại như giọng đọc thơ, đọc rap, lúc là câu nói khẳng khái mắng thẳng vào mặt kẻ cướp biển...
Trên tinh thần tự nguyện, các thành viên của nhóm xẩm Hà Thành đã bỏ tiền túi thực hiện các hoạt động về xẩm. Với việc ra mắt MV xẩm "Tiễu trừ cướp biển", nhóm xẩm Hà Thành xác định sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật xẩm, một loại hình nghệ thuật truyền thống quý giá của dân tộc. |
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc cho biết, bài hát này chúng tôi khai thác ở điệu xẩm sai và chỉ khi nào có những vấn đề cực kì lớn, cực kì quan trọng trong xã hội thì mới sử dụng thể loại này. Ngày xưa Bác Hồ phát động chiến dịch Bình dân học vụ, các cụ đã viết bài Tiễu trừ giặc dốt điệu xẩm sai.
Và sau này Trung tâm Phát triển âm nhạc dân gian đã dùng điệu xẩm sai này tuyên truyền cho việc chống tham nhũng. Khi TQ ngang nhiên đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng chủ quyền của chúng ta thì nhóm xẩm Hà Thành đã hát bài xẩm sai này để góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, người sáng tác lời cho “Tiễu trừ cướp biển” cho rằng, bài xẩm này sẽ hấp dẫn giới trẻ vì giai điệu, tiết tấu nhanh, gần với hip hop, rap - thể loại âm nhạc được các bạn trẻ ưa chuộng. Ngoài ra, bài hát còn có tiết tấu đồng dao, có hơi hướng của phú, ngâm thơ, đọc hịch. Vậy nên dù là bài xẩm nhưng tác phẩm mang tính giải trí, dễ nghe, thú vị. Nghe như không gian buôn chuyện của các bà ở quê ngày xưa. “Một giọng chỉn chu, giọng một ông già hay lè nhè chế giễu, một bà già giống như mẹ mõ, bốp chát người ta. Họ hòa quyện vào nhau, hát lời nối tiếp nhau như đang trò chuyện về vấn đề chủ quyền biển đảo, như lên tiếng phản ứng về việc bị nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Có lúc họ hát mà như nói, hát mà như quát, mắng… tạo nên sự hóm hỉnh, dí dỏm mà đầy mỉa mai”, nghệ sỹ Nguyễn Quang Long cho biết.
Ngoài ra, bài hát còn là sự ví von hóm hỉnh mang tính hình tượng, hài hước giữa những người chiếm đóng trái phép biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với lũ cướp biển Caribbe (nửa người nửa ma) trong bộ phim nổi tiếng mà giới trẻ đặc biệt yêu thích. Thêm vào đó, MV còn có sự xuất hiện của thày phù thủy phù phép đuổi và tiêu diệt những âm binh, ma quái.
Sản phẩm bom tấn cần bảo tồn phát huy
Đạo diễn âm thanh Phạm Trường Linh, từng là nghệ sĩ bộ gõ nhạc nhẹ, Phó ban biên tập NXB Âm nhạc, người phụ trách thu âm nhiều bài xẩm, cho rằng: “Đây là một sản phẩm bom tấn. Nó là lời khẳng định xẩm vẫn còn hấp dẫn và hoàn toàn có thể chinh phục được người nghe, nhất là giới trẻ”.
Nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ sau khi xem MV này nước mắt cô cứ trào ra. “Trong tình hình biển Đông, mỗi người Việt Nam đều có tinh thần chống xâm lược vậy nên bài xẩm này thật có ý nghĩa”.
Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đánh giá đây là một sáng tạo hết sức độc đáo của các nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Các thông điệp rất hợp với thời sự hiện tại. Đặc biệt là hình ảnh phù thủy tiêu diệt những ma quái, âm binh ra khỏi bờ cõi nước ta. MV này chính là con đường ngắn nhất, gần nhất để xẩm mang hơi thở thời đại và đi vào lòng công chúng đặc biệt là các bạn trẻ. “Cần phổ biến MV này trên toàn quốc để mọi người thấy sức hấp dẫn của nó” - Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh.
Bắc Lưu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận