Bãi gỗ có ký tự HL được cho là của Hòa “lậu” |
Người dân nghi ngờ bãi gỗ gần đồn biên phòng
Những ngày đầu tháng 9, PV Báo Giao thông nhận được cuộc điện thoại của người dân trú tại huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) thông báo về những chuyến xe rầm rập chở gỗ ở đường Tuần tra biên giới gần với Đồn biên phòng Suối Cát (Bộ đội Biên phòng Kon Tum). Theo đó, gỗ đa phần từ biên giới ở Campuchia chở theo lối mòn đường giáp ranh biên giới về, đã tập kết trong thời gian dài, mua bán tại đây khá nhộn nhịp.
Nhận tin báo, chúng tôi lập tức cải trang thành những người đi rừng kiểm chứng thông tin. Đi sâu vào rừng cao su, bãi tập kết đầu tiên hiện ra mà theo lời người dẫn đường là của Tân “mắt lồi”, một đầu nậu gỗ. Bãi gỗ này trên 10 lóng, được cắt gọt thành hộp vuông. Đặc biệt, bãi gỗ này chỉ cách trụ sở của Đồn Biên phòng Suối Cát khoảng 500m, gần làng Thanh Niên (xã Ia Dom và xã Ia Đa) tại vị trí có tấm bảng “Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Nông trường 1, lô 132”.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu và phát hiện thêm những bãi gỗ khác gần với cột mốc Biên giới số 13-3. Tại một lối mở được rào chắn lại, bên trong là 2 bãi gỗ gõ và kiền kiền nằm sát nhau. Hơn 50 phách gỗ lõi đỏ au điểm ký tự “HL” được người dẫn đường tiết lộ của chủ gỗ tên Hòa “lậu”. Bãi gỗ thứ 3 ngay tại cột mốc số 14. Bến bãi này khi chúng tôi tiếp cận thì chỉ còn 5-7 lóng gỗ tròn, trong đó có lóng to đến 3 người ôm, đường kính hơn 1,5m. Trên mỗi lóng gỗ đều ký dòng chữ: “Lương MC”, người ở tỉnh Gia Lai lên làm chủ.
Lực lượng biên phòng phải chịu trách nhiệm?
Ngày 5/9, nhóm PV chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh vụ gỗ lậu phát hiện này cho ông Bùi Thanh Bình, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum và Đại tá Phạm Ngọc Phú, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. Ngày 11/9, tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục phó cho biết, đơn vị đã trực tiếp xuống hiện trường nơi bắt giữ 30m3 gỗ vô chủ nằm ở khu vực biên giới giữa cột mốc 13 và 14 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) để kiểm tra thực địa nhằm tìm hướng xử lý. Trao đổi với chúng tôi, ông Tâm cho biết, đã làm việc với huyện Ia H’Drai yêu cầu các lực lượng kiểm tra theo thông tin báo chí cung cấp cũng như rà soát dọc tuyến đường biên giới.
Chiều 18/9, trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Ia H’Drai (Kon Tum) cho biết, qua xác định số gỗ sau khi phát hiện và kiểm đếm là trên 30m3. “Hiện, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ số gỗ trên cho cơ quan công an huyện để điều tra”. Liên quan đến vụ việc trên, Thượng tá Võ Tấn Biền, Trưởng Công an huyện cũng cho biết, trong chiều 18/9, công an và một số cơ quan tiến hành họp bàn, tính toán trích lục từ số gỗ sau khi phát hiện để xử lý theo quy định. “Khi nào thống nhất hướng xử lý và nếu khởi tố vụ án thì sẽ thông tin cho báo chí”, Thượng tá Biền cho biết thêm. |
Khu vực bắt giữ 3 bãi gỗ với khối lượng 30m3 (gỗ nhóm II đến nhóm VIII) nằm giữa cột mốc 13 và 14, cách đường bê tông tuần tra “không quá 15m”. Hiện, đoàn liên ngành đang mở rộng tìm kiếm tại khu vực các bờ lô hợp thủy xem còn gỗ tập kết trên dọc đường biên không. Ông Tâm cũng cho biết, số gỗ do ông cùng đoàn công tác phát hiện không có dấu búa kiểm lâm. “Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu xử lý đến đó”, ông Phú nói.
Cũng trong ngày, Chủ tịch tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa đã có văn bản chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Chủ tịch huyện Ia H’Drai kiểm tra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu trái phép tại khu vực biên giới.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho rằng: “Để xảy ra khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong khu vực Biên phòng quản lý thì họ phải chịu trách nhiệm lớn trong chuyện này”. Ông này cũng đặt dấu hỏi: Gỗ từ bên kia biên giới về bằng cách nào? Gỗ chứ đâu phải cây kim sợi chỉ mà dễ dàng lọt qua dễ dàng như thế? Huyện Ia H’Drai chỉ có con đường duy nhất là QL14C đi ra ngoài, ở đầu nào cũng có các trạm liên ngành gồm: Công an, Biên phòng, Kiểm lâm chốt chặn. Người dân đi bằng xe máy đôi lúc còn bị kiểm tra huống hồ gỗ kềnh càng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận