Thuế BVMT giảm kéo giá xăng dầu giảm, lạm phát giảm
Sáng 6/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế BVMT về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể: Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít.
Đây là mức giảm kịch khung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội. Với mức giảm thuế BVMT này, mức giảm giá bán lẻ với xăng, dầu, mỡ nhờn tương ứng hạ 550-1.100 đồng/lít, gồm thuế VAT.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, giảm thuế BVMT chắc chắn kéo theo giá xăng dầu sẽ giảm. Nhưng điều quan trọng hơn là sẽ giảm lạm phát cho nền kinh tế quốc dân.
Ông Thịnh dẫn chứng, bắt đầu từ 1/4/2022 chúng ta giảm 50% thuế bảo vệ môi trường thì ngay trong tháng 4, giá xăng dầu giảm 0,58% so với tháng 3, từ đó chỉ số CPI giảm 0,06%.
Dự kiến với mức giảm kịch khung thuế BVMT mà Thường vụ Quốc hội vừa phê duyệt thì từ nay đến cuối năm, chỉ số CPI giảm khoảng 0,16%.
"Rõ ràng giá xăng dầu hiện nay tác động không nhỏ đến chỉ số CPI mà chỉ số này có mối quan hệ mật thiết đối với chỉ số lạm phát. Chính vì vậy điều tiết giá xăng dầu là một yếu tố cần thiết giúp chỉ số lạm phát của nền kinh tế như kỳ vọng là dưới 4% trong năm 2022", ông Thịnh nói.
Có nên giảm tiếp thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt?
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường. Ước tính, tổng chi cho 4 sắc thuế chiếm 30-40% giá thành bán ra của 1 lít xăng.
Nhiều ý kiến cho rằng, với việc Thường vụ Quốc hội chốt giảm thuế BVMT như hôm nay, chưa tác động nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu muốn giảm mạnh phải trông chờ chính vào giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt. Hai sắc thuế đã được quy định trong luật, nên thẩm quyền điều chỉnh nằm ở Quốc hội.
Quy trình sẽ là Bộ Tài chính trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp gần nhất (tháng 10/2022). Nếu muốn sớm hơn, cần phải triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường để xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, ông Thịnh lưu ý, với dự kiến sản lượng tiêu thụ như hiện nay, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT 500-1.000 đồng/lít đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì ước giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế VAT) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.
"Việc giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt vối mặt hàng xăng, dầu ở thời điểm này là chưa cần thiết. Gần như toàn bộ các nước trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu. Gần nước ta, Thái Lan đánh thuế này là 15% đối với xăng dầu. Ở nước ta hiện nay chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng mà không đánh thuế với dầu. Chính sách thuế như vậy là thấp rồi, đây cũng là ưu đãi so với thế giới", ông Thịnh nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm
Còn theo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm, trong giá xăng dầu thì thuế và phí chiếm khoảng 30 đến 40%. Trong các loại thuế phí này có loại thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định (VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt), có loại thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ (thuế bảo vệ môi trường), có loại thuộc thẩm quyền của Chính phủ (thuế nhập khẩu).
Giá xăng dầu của chúng ta phụ thuộc lớn vào sự lên xuống của thế giới. Trong nước chúng ta chỉ có thể can thiệp bằng việc điều tiết các loại thuế và phí.
Thuế môi trường nhằm khắc phục các vấn đề môi trường do hoạt động của tiêu thụ xăng dầu tạo ra. Nhưng trong hoàn cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay thì giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu là biện pháp hữu hiệu nhất và kịp thời nhất.
"Bởi thẩm quyền quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chứ đợi đến Quốc hội xem xét thì sẽ mất thời gian, không đáp ứng được sự linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu như hiện nay", ông Lâm nói.
Trước ý kiến cần triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường để bàn về việc giảm các loại thuế, phí cho mặt hàng xăng, dầu, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, giá xăng dầu tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của nhân dân, đây nằm trong điều hành linh hoạt hằng ngày. Quốc hội quyết định những vấn đề lớn chứ không phải mỗi lần giá lên lại họp, giá xuống lại họp.
Vận hành theo cơ chế thị trường thì chúng ta cũng nên chấp nhận giá cả thị trường thế giới lên xuống hàng ngày. Điều chúng ta cần là sử dụng các công cụ làm sao giữ ổn định được, không nên can thiệp quá thô bạo làm méo mó đi tính chất của thị trường. Nhiều khi sự can thiệp quá sâu có thể gây ra sự thiệt hại lớn hơn.
"Kinh tế thị trường của chúng ta là có quản lý điều tiết của nhà nước, thì sẽ có công cụ để điều hành quản lý. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng để can thiệp sâu vào cơ chế vận hành đó", ông Lâm nói.
Ở lần điều hành ngày 1/7 của liên Bộ Tài chính – Công thương, giá xăng, dầu quay đầu giảm nhẹ sau 7 lần tăng liên tiếp và sau 13 lần tăng giá tính từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, vào 15h ngày 1/7, xăng E5 RON 92 từ 31.302 đồng/lít giảm còn 30.890 đồng/lít; RON 95 từ 32.873 đồng/lít giảm còn 32.760 đồng/lít.
Các loại dầu cũng giảm giá. Cụ thể, giá dầu diesel từ 30.010 đồng/lít giảm còn 29.610 đồng/lít; dầu hỏa từ 28.780 đồng/lít giảm còn 28.350 đồng/lít; dầu mazut từ 20.735 đồng/kg giảm còn 19.720 đồng/kg.
Tuy nhiên, do mức giảm khá nhẹ nên giá mặt hàng này vẫn đang rất cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận