Theo ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sản xuất từ năm 2009. Trong suốt 10 năm vận hành nhà máy đã đưa ra thị trường trên 7 triệu m3 xăng dầu các loại. Riêng năm 2019, Dung Quất đã đưa ra thị trường trên 6,5 triệu m3 xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa hàng năm sản xuất được khoảng gần 8 triệu m3 xăng dầu các loại nếu sản xuất đúng 100% công suất. “Như vậy cả 2 nhà máy có thể cung ứng cho thị trường khoảng 15 triệu m3 xăng dầu các loại và đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước”, ông Tiến cho biết.
Tuy nhiên, ông Tiến nhận định, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi. Điều này ảnh hướng đến nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng.
“Chúng tôi nghĩ về lâu dài, khách hàng sẽ là những người lựa chọn sản phẩm một cách thông minh thì hàng giả, hàng gian về lâu dài sẽ bị đào thải. Và các nhà sản xuất, các nhà cung ứng các sản phẩm có chất lượng sẽ tồn tại lâu dài. Chúng tôi là nhà sản xuất, chúng tôi luôn cam kết đưa ra thị trường các sản phẩm đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn, về quy chuẩn. Đồng thời, chúng tôi có hệ thống thí nghiệm cũng như các kỹ sư để đảm bảo các lô hàng xuất ra khỏi nhà máy luôn được kiểm tra đảm bảo đúng theo các công bố, đảm bảo quyền lợi của khách hàng”.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Xăng dầu có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 1/2015 của Bộ KHCN sửa đổi bổ sung năm 2017 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu, đây là cơ sở để căn cứ để đánh giá về mặt kỹ thuật, chất lượng xăng dầu được phép nhập khẩu, được phép đưa ra thị trường. Bên cạnh quy chuẩn quốc gia đó còn có quy định về công tác quản lý xăng dầu do Bộ KHCN ban hành thông tư số 15/2015 quy định quản lý đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trên cơ sở quy định tiêu chuẩn quốc gia , những xăng dầu đáp ứng các tiêu chuẩn đó được phép nhập khẩu, được phép lưu thông trên thị trường.
“Qua công tác quản lý thì chúng tôi thấy xăng dầu nhập khẩu chính ngạch và đã qua kiểm soát chất lượng và xăng dầu của các cơ sở sản xuất đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về quản lý đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu thì xăng dầu đó đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn tình trạng xăng dầu kém chất lượng, thậm chí là xăng dầu giả do tình trạng gian laajntrong kinh doanh và pha chế trái phép diễn ra trên thị trường, ông Tuấn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận