Doanh nghiệp

Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải lao đao

21/03/2014, 06:16

Giá xăng tăng hai lần liên tiếp chỉ trong vòng một tháng đã tác động không nhỏ đến chi phí giá thành, chi tiêu của doanh nghiệp và người dân.

Cước taxi Hà Nội sắp tăng giá từ 500 - 1.000 đồng/km
Cước taxi Hà Nội sắp tăng giá từ 500 - 1.000 đồng/km

Chi tiêu gia đình, doanh nghiệp tăng


Chị Thu Vân, nhà ở khu tập thể 8/3 quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, mỗi tháng gia đình chị chi phí tiền xăng cho chiếc ôtô và xe máy hết khoảng 5-6 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, xăng tăng giá thêm 500 đồng/lít, chi phí xăng xe của gia đình chị tăng thêm hơn 100.000 đồng/tháng. “Khoản chi trực tiếp vào tiền xăng không lớn, nhưng lo nhất mỗi khi xăng tăng giá thì đều kéo theo hiệu ứng tăng giá hàng hóa các loại”, chị  Vân nói.


Cùng chung nỗi lo này, anh Trần Lâm - Giám đốc Công ty Nội thất Sông Hồng cho biết, trung bình mỗi tháng, chi phí nhiên liệu vận chuyển hàng và giao dịch cho hai xe ô tô của công ty khoảng 30 triệu, nay xăng tăng giá, Công ty sẽ mất thêm khoảng 600.000 - 700.000 đồng so với thời điểm cuối năm 2013. “Chi phí nhiên liệu tăng đã đành, các chi phí khác như lương nhân công, tiền thuê nhà xưởng, nguyên vật liệu cũng nhích theo thì sẽ là khoản lớn cho doanh nghiệp. Thời buổi khó khăn không thể tăng giá bán, thì chúng tôi sẽ co kéo, tiết giảm mọi chi phí để đảm bảo hoạt động”, anh Lâm cho hay.


Theo TS. Kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, việc tăng giá xăng dầu thêm 0,81% ngày 19/3 sẽ tác động vào CPI tháng 4/2014 và dự kiến sẽ kéo CPI tăng nhẹ. 

Cước vận tải sẽ tăng 


Theo ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, năm 2013, xăng dầu đã 10 lần điều chỉnh giá, trong đó có 6 lần tăng. Từ 19/2 tới nay, trong vòng chưa đầy một tháng, xăng dầu hai lần tăng nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp vận tải nào đề xuất tăng giá cước. Trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc tiết giảm chi tiêu để bù vào chi phí nhiên liệu tăng. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Thành Đô - Chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Đô (Nam Định) cho hay, đã hai năm nay, dù xăng dầu đã 12 lần điều chỉnh giá, thì hơn 30 đầu xe của HTX vẫn giữ nguyên giá cước, như mức giá cước Hà Nội - Nam Định vẫn ổn định là 70.000 đồng/người/lượt. “Thời buổi xe nhiều khách vắng thế này, tăng giá vé là mất khách, thôi thì bớt doanh thu của doanh nghiệp, bớt thu nhập của lái xe để giữ được khách còn hơn. Hiện HTX chưa có kế hoạch tăng giá vé”, ông Đô nói.
 

Tại TP HCM, các hãng vận tải vẫn chưa có sự điều chỉnh về giá cước. Đại diện hãng taxi Vinasun cho biết, nếu điều chỉnh giá cước thì phải kiểm định lại đồng hồ tốn kém khá nhiều chi phí, do vậy doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc. Các chợ ở khu vực TP HCM cũng chưa có sự biến động lớn về giá. Tại chợ Tân Bình, các tiểu thương cho biết, giá xăng mới tăng một ngày nên cũng chưa thấy có sự biến động nào về giá các loại thực phẩm.

Phan Tư

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà cho rằng: Tăng giá xăng dầu, thiệt nhất là người tiêu dùng. Ông Ngọc phân tích, xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào, đơn giá vận chuyển, mà đã là doanh nghiệp thì ở lĩnh vực nào cũng cần làm ăn có lãi, đảm bảo lợi nhuận, nên bắt buộc phải tính toán bằng cách nào đó, thời điểm nào đó để chuyển mức tăng đó vào giá thành. 

Về lĩnh vực taxi, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, chắc chắn giá cước taxi phải tăng khoảng 500-1.000 đồng/km trong thời gian tới và hiện có khoảng 10 doanh nghiệp taxi trên địa bàn đã gửi đề xuất tăng giá cước về Hiệp hội. Bởi từ tháng 3/2012 đến nay, giá xăng thêm 3.400 đồng/lít, trong khi hai năm qua, giá taxi Hà Nội chỉ tăng thêm 1.500 đồng/km (điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/km vào tháng 4/2012, tháng 6/2013 tăng thêm 500 đồng/km). 


Như vậy, chỉ tính tác động trực tiếp của giá xăng tăng, thì so với hai năm trước, hiện mỗi lái xe taxi trung bình chạy 200km/ngày sẽ mất thêm 100.000 đồng/ngày tiền xăng, mỗi tháng sẽ mất thêm khoảng hơn 2 triệu. Một doanh nghiệp taxi có khoảng 200 xe, thì mỗi năm sẽ hụt doanh thu so với thời điểm năm 2010-2011 khoảng 400 triệu đồng. Theo ông Đỗ Quốc Bình, 2 năm qua, doanh nghiệp và người lái taxi Hà Nội đã giảm doanh thu và thu nhập khoảng hơn 50% so với năm 2010 - 2011, và tình hình kinh doanh taxi này đã khiến khoảng 1.000 đầu xe taxi trên địa bàn phải ngừng hoạt động. Doanh nghiệp taxi còn tồn tại cũng không thể đầu tư xe mới.

Hải Quỳnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.