Ảnh minh họa |
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá hàng hóa thế giới biến động nhẹ, cộng với nhu cầu trong nước tăng do nắng nóng, độ trễ của lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu hôm 20/5 sẽ là các yếu tố tác động gây sức ép tăng giá trên thị trường.
Trong nước, thời tiết tiếp tục nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng đối với một số mặt hàng (may mặc, giày dép, đồ uống và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt; nhu cầu giải trí, du lịch…) có khả năng tăng, gây sức ép tăng giá. Ngoài ra việc tăng giá xăng ngày 20/5 cũng sẽ tác động đến chỉ số giá (CPI) của tháng 6 do độ trễ trong chu kỳ tính CPI.
Bù lại, thị trường trong nước được hỗ trợ bởi các yếu tố như cân đối cung-cầu hàng hóa dồi dào, nhất là hàng thực phẩm, lương thực.
Trong đó, giá gạo có khả năng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ do cạnh tranh xuất khẩu với các nước như Thái Lan, Ấn Độ… ngày càng gay gắt trong khi lượng gạo tồn kho vẫn đang ở mức cao. Cộng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường giá cả sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá trong tháng 6.
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII, tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2015 tiếp tục ổn định, tổng cầu trong nền kinh tế phục hồi và cung ứng hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt; tốc độ tăng trưởng tín dụng khả quan (dự báo 15-17%) cho thấy sản xuất kinh doanh khu vực dân doanh chuyển biến tích cực.
Do đó dự báo, nếu 7 tháng cuối năm không xảy ra những biến động đột xuất (lũ bão, dịch bệnh...) thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2015 so với tháng 12/2014 sẽ vào khoảng 3,0-3,5%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận