“Giá xăng tăng nữa chắc phải bán xe thôi”
Sáng 3/6, sau khi trả khách tại một địa chỉ trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), anh Hoàng Dũng, tài xế chạy xe dịch vụ vòng qua cây xăng gần đó để đổ đầy bình, sẵn sàng cho chuyến xe về Nam Định vào chiều nay.
Người lao động vận tải than trời vì giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã
Anh cho biết, nếu như trước đây, chỉ cần 800 nghìn đồng để đổ đầy bình xăng chiếc Toyota Vios anh sử dụng thì nay anh phải tốn đến 1,1 triệu đồng. Giá xăng tăng nên giá mỗi chuyến hợp đồng cũng tăng theo từ 200-300 nghìn đồng.
Đơn cử, giá xe hợp đồng từ Nam Định - Hà Nội trước đây chỉ khoảng 800 nghìn đồng thì nay tăng lên 1 triệu đồng. Thế nhưng, dù tăng giá, sau mỗi chuyến đi, trừ chi phí xăng, cầu đường, anh chỉ thu lời nhiều nhất từ 200-250 nghìn đồng.
“Giá xe tăng, nhiều khách kêu đắt, hỏi đặt xe rồi lại huỷ. Thu nhập ước tính tháng vừa rồi của tôi giảm từ 30-40%”, anh Dũng than thở.
Cũng như anh Dũng, anh Đỗ Tam, một tài xế xe hợp đồng tại Nam Định cho biết, giá xăng tăng dẫn đến giá cước xe cũng tăng theo. Để thu hút khách hàng, anh đã phải chỉnh trang lại chiếc xe 16 chỗ của mình trở thành chiếc Limousine với vẻ ngoài hiện đại đi kèm nhiều tiện ích hơn. Đầu tư là thế nhưng lượng khách vẫn chưa khá hơn là bao.
“Chỉ mong giá xăng, dầu bình ổn trở lại chứ không tôi phải sớm bán xe, tìm công việc khác”, anh Tam nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt, chủ hãng xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai cho biết, giá xăng, dầu tại Việt Nam biến động theo thế giới, thậm chí sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.
“Đặc thù du lịch Sa Pa (Lào Cai) vào mùa hè thường ít khách hơn mùa đông. Nếu vì giá xăng tăng mà đề xuất tăng giá vé sẽ khiến lượng khách ngày càng sụt giảm. Doanh nghiệp khó lại chồng thêm khó”, ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, hiện doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở, tiết kiệm chi phí vận hành bằng cách giảm số lượng xe chạy chỉ còn duy trì 50% tổng số xe, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50-60% ghế trên xe mới không bị lỗ.
Cùng chung nỗi lo, ông Hán Trọng Bằng, chủ doanh nghiệp vận tải Cường An chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, những khó khăn từ dịch Covid-19 chưa qua đi, doanh nghiệp lại đang đối mặt với nhiều thách thức về giá xăng dầu liên tục tăng.
Giá xăng tăng khiến doanh nghiệp phải đề xuất tăng giá cước, hiện giá vé tuyến Hà Nội - Tuyên Quang là 120.000 đồng (tăng 20.000 đồng so với trước đây).
Tuy nhiên, mức giá này lại không được lòng khách hàng, nhất là đối với khách ở sâu trong nội thành, cách bến xe xa, để di chuyển ra bến xe phải mất thêm một khoản chi phí khác để đi xe ôm, taxi.
“Giá tăng, lại không tiện lợi, nhiều hành khách đã lựa chọn dịch vụ đi xe ghép, xe chung thay vì xe khách cố định khiến lượng khách trên tuyến ngày càng thưa thớt. Hiện doanh nghiệp đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, may mắn không bị phá sản.
Chưa kể, toàn bộ số xe của công ty phải nằm dài trong 2 năm dịch trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả và niên hạn xe vẫn tăng, khiến giá trị xe giảm, thậm chí giờ có thế chấp xe để vay thêm cũng rất khó”, ông Bằng chia sẻ thêm.
Nhiều doanh nghiệp vận tải phải cắt giảm chuyến, dồn khách để giảm chi phí vận hành trước những khó khăn vì giá xăng, dầu liên tục tăng
Cách nào gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải?
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 10 lần. Dự kiến giá xăng, dầu sẽ tăng lên đến 35.000 đồng/lít, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6/2022.
“Đây là một thách thức rất lớn đối với hoạt động vận tải”, ông Hùng nhấn mạnh và cho biết, vẫn còn đó nhiều khó khăn khác cho các doanh nghiệp vận tải.
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hoạt động vận tải hành khách gần như tê liệt trong 2 năm qua, một số tỉnh, thành được hoạt động cũng chỉ vận hành được 50% số lượng phương tiện và chỉ được phục vụ 50% số chỗ ngồi trên xe. Có những tỉnh thành còn thực hiện giãn cách xã hội đến tận tháng 1/2022 như Hưng Yên.
“Thực tế các doanh nghiệp đang rất khó khăn, việc khôi phục hoạt động kinh doanh vận tải trở lại mới đạt được 70% nhưng lại đang gặp nhiều thách thức về thiếu hụt lao động do trung tâm đào tạo dạy nghề ngừng hoạt động trong 2 năm qua, hay do thời gian giãn cách xã hội quá dài vì Covid-19, giá xăng tăng giảm liên tục, lái xe đi làm không có thu nhập phải chuyển đổi công việc khác”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35-40% trong cấu thành giá cước, giá xăng dầu điều chỉnh ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải, từ đó cũng ảnh hưởng đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải.
Điều chỉnh giá cước vẫn phải nằm trong quy định của bình ổn giá, vận tải muốn tăng giá phải kê khai báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình điều chỉnh giá, buộc phải ngừng các phương tiện hoạt động, thêm phần khó khăn.
Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, ông Hùng kiến nghị Liên bộ Công thương – Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.
“Các chính sách phải mạnh mẽ, chính sách mà nhỏ giọt thì không thể khôi phục được, không thể bứt tốc được. Cùng với đó, phải đồng bộ hoá tất cả các chính sách. Chính phủ ban hành 320.000 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi xăng dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất”, ông Hùng nói.
Đồng thời nhấn mạnh: Nhà nước, doanh nghiệp phải cùng đóng góp vào quỹ bình ổn giá với người dân. Hiện nay, chỉ có người dân tham gia đóng góp quỹ này bằng việc đóng 300 đồng/lít xăng. Tất cả phải chung tay mới kiểm soát được giá xăng dầu, nếu không kiểm soát được các mặt hàng khác tăng theo, lạm phát sẽ là điều tất yếu.
Ông Đỗ Văn Bằng cũng kiến nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường (hiện nay, thuế bảo vệ môi trường mới giảm 50%) để được gỡ khó qua giai đoạn hiện nay.
Trước những tác động của biến động giá nhiên liệu với giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực, trong đó có vận tải đường bộ, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét quyết định miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các Bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế, ưu tiên các doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận