Ngày 18/10, trường ĐH Bách khoa phối hợp cùng Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về “Hệ thống cơ sở dữ liệu và khung kiến trúc dữ liệu ngành GTVT TP.HCM”.
Cấp thiết xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, TP.HCM đang không ngừng phát triển với vai trò là đô thị lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hệ thống GTVT.
Để đáp ứng nhu cầu này, việc xây dựng và phát triển một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, được cập nhật, bổ sung liên tục để phục vụ việc điều hành hệ thống giao thông đô thị thông minh, hiệu quả... là vô cùng cần thiết.
Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ, việc tạo lập, hình thành cơ sở dữ liệu ngành GTVT đã được Bộ GTVT, UBND TP.HCM xác định là nhiệm vụ then chốt, mang ý nghĩa chiến lược trong công cuộc thúc đẩy công tác chuyển đổi số.
Trong đó, tập trung vào mục tiêu hình thành, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành GTVT trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác, có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
"Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực GTVT sẽ cùng trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về việc hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành nói chung và của ngành GTVT nói riêng", ông Vũ nói.
Năm 2025 hình thành cơ sở dữ liệu ngành GTVT
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT chia sẻ, quan điểm của Bộ GTVT là nhấn mạnh vai trò sử dụng dữ liệu để thực hiện phân tích dự báo, tạo lập số liệu hỗ trợ cho các quyết định chính sách và phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.
Mục tiêu đến năm 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.
Để quản lý xuyên suốt, đồng bộ, vấn đề đặt ra là phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng cho ngành GTVT, dựa trên 5 lĩnh vực: Cơ sở dữ liệu phương tiện, khí phát thải, doanh nghiệp GTVT, kết cấu hạ tầng giao thông và bản đồ GIS. Phạm vi thực hiện cơ sở dữ liệu này là trên toàn quốc.
Đến nay, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành số hóa dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (do trung ương quản lý). Đối với lĩnh vực hàng hải, hàng không dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.
Về kết quả đạt được, theo ông Tùng, đến nay đã cơ bản hoàn thành số hoá, định danh dữ liệu quản lý các phương tiện lĩnh vực: đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa (phương tiện mang cấp VR-SB); đang tích hợp dữ liệu dùng chung (bao gồm dữ liệu đăng ký kinh doanh, dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu hoạt động).
Đối với việc ứng dụng CNTT quản lý hoạt động phương tiện kinh doanh vận tải, đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoạt động vận tải 63 Sở GTVT và đang theo dõi, giám sát hoạt động phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, tàu biển, phương tiện thủy nội địa. Đặc biệt, kết nối, chia sẻ dữ liệu phương tiện cho 8 bộ, ngành và 25 tỉnh, thành phố.
Ông Tùng khuyến nghị, đối với TP.HCM, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ GTVT trong xây dựng chiến lược tổng thể, kiến trúc tổng thể giao thông thông minh. Đồng thời, phối hợp triển khai thí điểm sử dụng dữ liệu trong quản lý, điều hành giao thông (dữ liệu hệ thống cảng biển số; kết nối trung tâm điều hành giao thông đô thị với Hệ thống ITS cao tốc…).
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP.HCM là địa phương có dân số đông, lượng phương tiện nhiều, mật độ dân cư lớn... tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng, dịch vụ đô thị và hạ tầng đường bộ, vận tải công cộng, hàng hóa…
TP.HCM hiện đã ứng dụng giao thông thông minh, giám sát giao thông với 953 camera quan sát giao thông, 118 camera quan trắc giao thông; 216 tủ tín hiệu giao thông khu vực trung tâm thành phố.
Đồng thời, TP.HCM cung cấp thông tin giao thông qua cổng thông tin giao thông và 74 Bảng thông tin giao thông điện tử; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự ATGT ở 9 vị trí kiểm soát tốc độ, 6 trạm kiểm soát tải trọng. TP cũng có ứng dụng phỏng dự báo giao thông tại 959 vùng, trong đó, có 17 vùng đặc biệt (bến xe, cảng, sân bây…), 20 ngoại vùng lân cận TP.HCM, 7 loại phương tiện (hai nhóm vận tải hàng hóa, vận tải hành khách).
Ông Tấn đánh giá, nhìn chung TP.HCM đã có cơ sở dữ liệu, tuy nhiên, việc khai thác, chọn lọc và chuẩn hóa dữ liệu vẫn chưa được tập trung phát triển. Hiện, có một số vấn đề cấp thiết để xây dựng trung tâm dữ liệu ngành giao thông TP.HCM, trong đó gồm công nghệ, khung kiến trúc tổng thể trung tâm dữ liệu theo kiến trúc hạ tầng số của Sở GTVT, đảm bảo phù hợp kiến trúc CPĐT Bộ GTVT.
Quy trình, mối quan hệ ràng buộc thông tin, phương thức chia sẻ dữ liệu quản lý các nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Hướng dẫn kỹ thuật quy định cấu trúc thông tin, định dạng dữ liệu, giao thức chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu từ các hệ thống thu thập dữ liệu cơ sở, trung tâm dữ liệu ngành đến cơ sở dữ liệu quốc gia.
Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, và cập nhật thường xuyên nên việc sàng lọc, khai thác, chia sẻ dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận