Chuyện dọc đường

Xây dựng đô thị văn minh từ việc nhỏ

23/03/2017, 06:38

Với các thành phố ở Việt Nam, hạ tầng phải tốt trước hay có người đi bộ rồi mới đầu tư hạ tầng?

2

Học sinh thoải mái dạo bước trên vỉa hè đường Pasteur, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Tiến

Lâu nay, mỗi khi nói đến việc đi bộ ở TP.HCM nói riêng và các thành phố khác trên cả nước nói chung, nhiều người chưa thật ủng hộ. Thậm chí, không ít người còn viện đủ lý do nào là đường chật hẹp, không có vỉa hè, không có cây xanh đi trời nắng.

Rồi ở miền Nam mùa khô thời tiết oi bức, đi bộ đến cơ quan mồ hôi nhễ nhại ướt áo. Trời mưa lại càng bất tiện. Và nhất là phương tiện công cộng chưa tốt, chưa rộng khắp nên đi bộ không tiện… Tất cả những lý do trên đều có phần đúng, nhưng nói cho cùng đều chỉ là ngụy biện cho việc lười đi bộ, dù ai cũng tường tận việc này tốt cho sức khỏe, giảm ô nhiễm và ùn tắc giao thông.

Chia sẻ về lý do lười đi bộ của người Việt, TS. Lương Hoài Nam dẫn chứng, Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng có thời tiết giống miền Nam, cũng trời nắng, mưa to… nhưng ở các thành phố lớn của họ, người dân đi bộ rất nhiều. Ở các nước châu Âu, mùa đông lạnh thấu xương, tuyết rơi đầy đường mà người đi bộ vẫn nườm nượp. Với họ, đi bộ trong khoảng cách 1km là chuyện bình thường.

Muốn có người đi bộ, tất nhiên phải tạo điều kiện về hạ tầng tốt. Vỉa hè phải thông thoáng để người đi bộ không phải đi xuống lòng đường nguy hiểm. Ở các tuyến đường rộng, nhiều làn xe ô tô cần có cầu vượt bộ hành. Vỉa hè phải có cây xanh tạo bóng mát. Ở nước ngoài một số đoạn vỉa hè còn được làm mái che để người đi bộ ra trạm xe buýt không bị ướt khi trời mưa. Thậm chí, như ở Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) còn làm cả đường đi bộ trên cao để tránh nạn cướp giật.

Vậy, với các thành phố ở Việt Nam, hạ tầng phải tốt trước hay có người đi bộ rồi mới đầu tư hạ tầng? Điều này khó có câu trả lời toàn diện, nhưng tốt nhất cả hai đều phải thực hiện song hành.

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ thời gian qua tại TP.HCM đã mang đến hiệu ứng không thể tốt hơn và giờ đã lan tỏa ra nhiều thành phố khác trên cả nước. Cũng phải nói rằng, vài năm gần đây một số quận trung tâm TP HCM, đơn cử như quận 1, quận 3, quận 10 đã chỉnh trang đô thị khá khang trang. Nhiều tuyến phố vỉa hè được lát gạch, mảng xanh, cây xanh tạo bóng mát, dây điện được ngầm hóa. Đi bộ dưới những tuyến đường này, người khó tính cũng phải thừa nhận khá dễ chịu.

Cùng đó, ngành GTVT thành phố cũng đã và đang nỗ lực phát triển mạng lưới vận tải công cộng, trong đó có nâng cấp hệ thống xe buýt, thay mới một loạt phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch CNG nên ngày càng hút thêm nhiều người đi xe buýt. Việc phát động phong trào đi bộ của TP.HCM vào thời điểm này thực sự có ý nghĩa và hội tụ tất cả các yếu tố chín muồi. Trong vài năm nữa, khi hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt BRT của thành phố đưa vào sử dụng, người dân khi đó đã dần hình thành thói quen đi bộ. Lúc đó, việc đi bộ trong khoảng 1km từ nhà ra bến xe, ga tàu điện là chuyện thường ngày, thậm chí có người sẽ “nghiền” đi bộ.

TP HCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, không thể chấp nhận cảnh xe máy chen chúc nhau, leo lên cả vỉa hè. Cách tốt nhất và đơn giản nhất để xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình là mỗi người hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, đó hoàn toàn có thể là tạo thói quen đi bộ hàng ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.