Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể |
Tiềm năng chưa khai thác hết
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt vấn đề, khu vực ĐBSCL có 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không, tuy nhiên việc khai thác, tính kết nối các loại hình này vẫn chưa tốt. “Vì sao hệ thống hạ tầng giao thông thủy tốt như vậy mà vận tải thủy chưa khai thác hết? Vì sao trước đây tất cả hàng hóa, hành khách đều vận chuyển bằng đường thủy, giờ lại dồn lên đường bộ gây áp lực? Vì sao đường bờ biển dài mà chưa khai thác hết? Trước năm 1975, chúng ta có đường Hồ Chí Minh trên biển mà trong thời bình không khai thác hết tiềm năng này? Với hạ tầng hiện có, chúng ta cần làm gì để phát huy hiệu quả, sau đó mới tính đến chuyện nâng cấp, xây mới cầu, đường”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
"Bộ GTVT sẽ cử các chuyên gia phối hợp với địa phương, tham mưu Chính phủ có chiến lược phát triển ngành logistics ngày càng tốt hơn, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh khi hàng Việt Nam xuất khẩu ra các nước”. Bộ trưởng GTVT |
Ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc Vinalines Hậu Giang cho biết, hiện Vinalines quản lý các cảng Cái Cui, Hoàng Diệu, Hậu Giang có thể tiếp nhận tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải. Tuy nhiên, điều mà ông và nhiều DN tại ĐBSCL trăn trở là làm sao để lượng hàng xuất nhập khẩu ra nước ngoài đi trực tiếp bằng đường biển, không phải chuyển tải bằng đường bộ lên TP.HCM. Bởi, theo tính toán cứ 1 tấn hàng hóa nếu vận chuyển từ Cần Thơ lên TP HCM sẽ tăng chi phí thêm 7 USD, thời gian vận chuyển tăng. Để làm được điều này, ông Phong cho rằng, Bộ GTVT cần hoàn thành và đảm bảo độ sâu luồng cho dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu để đảm bảo cho tàu ra vào ổn định. “Cần tổ chức hội nghị xúc tiến để kêu gọi các hãng tàu nước ngoài mở tuyến vận tải trực tiếp từ nước ngoài qua kênh Quan Chánh Bố vào các cảng ở ĐBSCL nhận hàng mà không phải qua cảng Cái Mép, Cát Lái”, ông Phong nói.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội logisitcs cho rằng, giao thông thủy tại khu vực ĐBSCL đã được các DN khai thác, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn, một sà lan vận chuyển 50 container từ Cần Thơ lên TP HCM mất 24 giờ, trong khi nếu vận chuyển bằng đường bộ có thể chỉ 5 giờ. “Có thể rút ngắn thời gian vận chuyển bằng đường thủy nếu khơi thông tốt luồng kênh Chợ Gạo, giảm thiểu ùn tắc, nâng tĩnh không để có thể một lúc sà lan chở được nhiều container hơn. Khi đó, thời gian sẽ giảm, hiệu suất tăng cao”, ông Hiệp nói.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) cho rằng, thời gian qua, việc kiểm soát tải trọng đường bộ có phần lơi lỏng, DN lại chuyển hàng bằng đường bộ nên sản lượng của đường thủy giảm. “Cần đẩy mạnh kiểm soát tải trọng đường bộ, tăng vận chuyển đường thủy để đảm bảo hạ tầng giao thông, khai thác tốt tiềm năng của vùng”, ông Liêm nói.
Đại diện Công ty CP Izifix cho rằng, các DN cần áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý và khai thác hàng hóa. Chẳng hạn với ứng dụng Izifix hiện nay, DN có thể ở nhà nhưng tìm kiếm được nguồn hàng trên mạng để sà lan không phải chạy rỗng.
Tàu 4.000 tấn vào luồng sông Hậu |
Hình thành những tập đoàn vận tải thủy được không?
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong khi chưa mở được các tuyến đường bay quốc tế từ Cần Thơ đi các nước, vấn đề quan trọng để rút ngắn thời gian xuất khẩu hàng hóa là hình thành nên các trung tâm logistics ở Cần Thơ, sau đó thực hiện các thủ tục thông quan, kiểm tra hàng hóa để vận chuyển về Tân Sơn Nhất đưa đi xuất khẩu nhanh chóng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, logistics có vai trò quan trọng, nếu chi phí logistics thấp thì giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ thấp. Mong muốn của Chính phủ, các địa phương là làm sao hoàn chỉnh hệ thống logistics, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Bộ trưởng cho rằng, với vùng ĐBSCL, yếu tố quan trọng để hoàn chỉnh hệ thống logistics là kết nối các phương thức vận tải một cách hợp lý, trong đó tận dụng thế mạnh về đường thủy để vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí. Bộ trưởng cho biết đang ấp ủ một cơ chế trình Chính phủ dành một gói tín dụng hỗ trợ các DN vận tải đường thủy. Theo đó, những DN nào đóng mới đội tàu vận tải loại lớn, DN cảng nào đầu tư hệ thống cầu cảng, thiết bị bốc xếp… được sử dụng gói tín dụng này. Từ đó, hình thành nên những tập đoàn vận tải thủy lớn như trước đây đã từng có.
Đánh giá về ý tưởng này, ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc VietJet Air Cargo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, đó là một quyết sách tốt để hỗ trợ các DN phát triển và rất khả thi. Bởi hiện nay tại vùng ĐBSCL có nhiều DN vận tải thủy nhưng chủ yếu là nhỏ, manh mún. “Khó khăn nhất hiện nay của DN là thiếu vốn, nếu được hỗ trợ tín dụng họ sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển đội tàu vận tải lớn phục vụ vận tải hàng hóa, từ đó giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh”, ông Quang nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các địa phương cần chủ động nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông, phát triển hệ thống logistics. Chẳng hạn, Đồng Tháp đã đề xuất xây dựng trung tâm logistics chuyên phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và đang tổ chức hội thảo kêu gọi các nhà đầu tư. Hay như TP Cần Thơ dành 242ha đất quy hoạch trung tâm dịch vụ logistics của vùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận