Đường bộ

Xây dựng hệ thống camera giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm

07/01/2021, 19:35

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Đường bộ VN.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Đường bộ VN

Phải tăng cường xử phạt nguội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Đường bộ VN diễn ra chiều nay (7/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao Tổng cục Đường bộ VN đã tham mưu Bộ GTVT hoàn thành dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

“Đây là nỗ lực lớn của Tổng cục Đường bộ VN. Quốc hội cơ bản đồng tình với dự thảo Luật này vì được soạn thảo kỹ, rà soát và điều chỉnh những bất cập trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã tham mưu hoàn thành tốt Nghị định 100, có tác dụng lan tỏa trong đời sống xã hội.

Cùng đó, Tổng cục đã tích cực tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành tốt dự án thu phí tự động không dừng ở hầu hết các trạm thu phí trong cả nước, qua đó giúp phương tiện lưu thông nhanh, giảm thời gian lưu thông, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường và giảm bức xúc trong dư luận", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Năm 2020, Tổng cục Đường bộ VN đã xử lý 97 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh, sơn kẻ hơn 1.300 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh hơn 2.200 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung hơn 180 km hộ lan phòng hộ.

Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng thể chế, đặc biệt trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Yêu cầu triển khai tốt hơn nữa Nghị định 100, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN xây dựng hệ thống camera giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, phối hợp cung cấp dữ liệu vi phạm cho lực lượng công an để tăng cường phạt nguội, qua đó, góp phần nâng cao ý thức, giải quyết nút thắt về “xe dù, bến cóc”, xử lý nghiêm xe dừng đỗ sai quy định.

“Nghị định 10/2020 về kinh doanh điều kiện kinh doanh vận tải yêu cầu lắp camera trên xe kinh doanh vận tải, hoàn toàn có thể xử lý được xe dù bến cóc thông qua hậu kiểm và xử phạt”, Bộ trưởng nói.

Đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục Đường bộ VN là quản lý duy tu bảo trì trên 24.000 km hệ thống quốc lộ và hơn 1.000km đường cao tốc, Bộ trưởng cho rằng đây là tài sản quốc gia nên cần làm tốt công tác duy tu sửa chữa, bảo trì. Trong đó hai tuyến huyết mạch là QL1 và đường Hồ Chí Minh cần quan tâm đặc biệt các yếu tố gây mất ATGT như hư hỏng mặt đường, biển báo không đầy đủ, điểm đen tai nạn giao thông.

Về việc xử lý kinh phí bảo trì đối với các dự án BOT chưa thu phí, Bộ trưởng cho rằng cần điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng trong thời gian chưa thu phí, Tổng cục Đường bộ sẽ quản lý bảo trì dự án, sau khi thu lại sẽ bàn giao cho nhà đầu tư. Đối với thu phí không dừng (ETC) cần ban hành một số quy định pháp lý để xử lý nghiêm tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn ETC...

img

Hầu hết các trạm thu phí đã vận hành thu phí theo hình thức tự động không dừng trong năm 2020 - Ảnh minh họa

Trên 15.000 km quốc lộ "đói" vốn

Trước đó, báo cáo kết quả hoạt động năm 2020, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, năm vừa qua, Tổng cục Đường bộ đã xây dựng, trình 16 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ. Trong đó đáng chú ý là hồ sơ Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Đối với công tác quản lý bảo trì đường bộ, năm 2020 Tổng cục đã tổ chức đấu thầu qua mạng 100% để lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công để sửa chữa hệ thống quốc lộ nhằm bảo đảm chất lượng, tuổi thọ và việc khai thác được an toàn.

Liên quan đến đảm bảo ATGT, ông Cường cho biết, trong điều kiện nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, Tổng cục vẫn ưu tiên cho công tác xử lý điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông, đặc biệt là TNGT thảm khốc. Năm 2020, đã xử lý 97 điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT; sơn kẻ hơn 1.300 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh hơn 2.200 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung hơn 180 km hộ lan phòng hộ.

Đặc biệt, đối với dự án sửa chữa cầu Thăng Long, trên cơ sở kết quả phân tích nguyên nhân hư hỏng, nghiên cứu so sánh các phương án và tổng hợp kinh nghiệm, đã lựa chọn phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng giải pháp kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các hạng mục công việc chính như hàn đinh neo; trộn, rải UHPC đều được thi công thí điểm đảm bảo thành thạo trước khi triển khai thi công trên thực tế mặt cầu và sau 5 tháng thi công, dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2016-2020 là hơn 100.000 tỷ đồng, nhưng thực tế gân sách Nhà nước chỉ cấp hơn 43.000 tỷ đồng. Tính đến nay, còn đến hơn 60% tổng chiều dài quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ, tương đương hơn 15.000 km, trong đó gần 10.000 km quá thời hạn trung tu và hơn 5.000 km quá thời hạn đại tu chưa được thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định do hạn chế về vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.