Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Toàn cảnh hội nghị
Hệ thống pháp luật tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, ngày 14/10/2021 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này.
"Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, Đảng đoàn Quốc hội đã nhanh chóng hoàn thiện Đề án để triển khai thực hiện; và mặc dù bộn bề nhiều công việc phải thực hiện giữa 2 đợt họp của kỳ họp thứ hai, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị quan trọng này", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta từ khi cầm quyền luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005).
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị xác định mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV là "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra".
Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và nội dung thực hiện.
Nêu thêm một số ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng pháp luật cần nhận thức, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - một nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững".
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách"
Trong quá trình xây dựng, ban hành luật, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.
Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, trong giám sát, phản biện quá trình lập pháp và thực thi pháp luật.
Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”.
Không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.
Tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư...., gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.
Xác định rõ trách nhiệm trong xây dựng pháp luật
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật.
Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật.
Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến người dân, doanh nghiệp - đối tượng chịu sự tác động của luật. Bảo đảm nghiêm túc, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật để có đủ cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; đề cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của các đại biểu Quốc hội; tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật.
Kết quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng, đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, nhất là các cơ quan Trung ương cần tập trung, sớm triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung tay, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các đại biểu Quốc hội và sự ủng hộ, giám sát của nhân dân, Thường trực Ban Bí thư tin tưởng, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV sẽ thu được kết quả cao, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, tiến bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận