Trên cơ sở giá trị quyết toán của các dự án và các yếu tố hình thành giá, Bộ GTVT đã rà soát phương án giá theo hướng ưu tiên giảm giá vé hơn là giảm thời gian thu giá hoàn vốn (Trong ảnh: Trạm thu giá Km 6+000 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - Ảnh: Khánh Linh |
Khắc phục bất cập trạm thu phí hở
Tổng cục Đường bộ VN cùng với nhà đầu tư đang rà soát để giảm giá vé tại các trạm thu giá BOT. Vậy, việc giảm giá vé dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
Bên cạnh các lợi ích lớn về KT-XH, các trạm thu giá BOT vẫn còn một số tồn tại khiến người dân phản ứng. Sau khi Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN tiến hành rà soát lại các dự án BOT trên cả nước và đàm phán với các chủ đầu tư để điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng cũng như giảm phí chung cho các phương tiện. Cả nước có 73 trạm thu giá BOT, đối với 55 dự án hoàn thành và đi vào khai thác, Bộ GTVT đã điều chỉnh giảm mức thu đối với 31 trạm, 18 trạm khác hiện có mức thu thấp, không cần điều chỉnh và 6 trạm hiện chưa thống nhất được với nhà đầu tư về mức giá điều chỉnh. Việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10 này.
Việc giảm giá vé được thực hiện theo Luật Giá số 11/2012 và Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trên cơ sở giá trị quyết toán của các dự án và các yếu tố hình thành giá, Bộ GTVT đã rà soát phương án giá theo hướng ưu tiên giảm giá vé hơn là giảm thời gian thu giá hoàn vốn. Việc giảm giá vé vẫn phải đảm bảo khả thi về phương án tài chính của các dự án. Điều quan trọng nữa là việc giảm giá được tiếp thu từ phản ánh của người dân sống xung quanh trạm thu giá không đồng tình chịu chung mức giá quy định tại trạm vì họ cho rằng, không đi hết quãng đường nhưng phải trả nhiều tiền như đi hết quãng đường. Đây là bất cập về mức giá của hình thức thu hở (thu theo lượt) cần được khắc phục.
Ông vừa nhắc tới bất cập của hình thức thu phí hở. Vậy, những bất cập đó là gì và hướng xử lý như thế nào?
Hiện, có hai hình thức là thu kín (thu theo chặng) và thu hở (thu theo lượt). Hình thức thu kín chỉ áp dụng được ở các tuyến cao tốc, giá thu tính theo km. Hình thức thu này đạt sự công bằng tuyệt đối cho các chủ phương tiện. Thu hở là giải pháp duy nhất phải áp dụng khi dọc các tuyến quốc lộ là khu dân cư, nhiều đường kết nối. Thu hở có nhược điểm là không thể công bằng tuyệt đối cho tất cả các chủ phương tiện, dù đi cả tuyến đường hay đi một phần tuyến đường đều phải trả mức giá như nhau, nhiều chủ phương tiện sử dụng đường của dự án mà không đi qua trạm thì không phải trả tiền. Vì vậy, mức giá chung qua các tuyến đường thu hở luôn thấp hơn thu kín. Để giảm bớt bất cập này, phương án giảm giá cho chủ phương tiện có địa chỉ thường trú bán kính xung quanh trạm thu giá từ 3 - 5km đang được thực hiện. Điển hình như trạm thu phí Km42 QL6, Bến Thủy, Cầu Rác, Tư Nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Huyện |
Khó có phương án giảm giá chung
Có ý kiến cho rằng, chỉ khi người dân sinh sống gần trạm thu giá BOT phản ứng, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng mới tính đến chuyện giảm giá vé. Tới đây, có cần một phương án giảm giá chung cho tất cả các trạm, thưa ông?
"Theo quy định tại hợp đồng dự án, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện doanh thu lớn hơn số liệu của doanh nghiệp dự án báo cáo từ 1-2% sẽ phạt gấp 60 lần, 2-3% sẽ phạt 120 lần, từ 3% trở lên sẽ phạt 180 lần chênh lệch này. Chi phí phạt sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tính toán cụ thể và quy đổi để trừ vào số ngày thu phí”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
Tôi khẳng định không phải đợi đến lúc người dân phản ứng mới tiến hành giảm giá. Việc giảm giá đã được Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT triển khai và Tổng cục Đường bộ VN xây dựng phương án tổng thể với các phương án giảm giá đối với các dự án có thời gian thu từ 3 năm trở lên. Đối tượng giảm giá bao gồm xe buýt các loại; chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn lân cận trạm thu giá, phạm vi giảm giá là các địa bàn có bán kính tới trạm thu giá từ 3 - 5km, đối với các dự án có tính chất đặc biệt thì xem xét bán kính đến 10km. Trạm nằm ngoài dự án phạm vi giảm giá là các địa bàn không quá 10km.
Về tỷ lệ giảm giá vé, các dự án BOT hiện nay đa số đang thu theo hình thức thu hở nên không xác định được chính xác số km phương tiện sử dụng. Tỷ lệ giảm giá được xác định cụ thể cho từng dự án để đảm bảo hài hòa lợi ích, đồng thời đảm bảo khả thi về phương án tài chính. Các yếu tố đầu vào của phương án tài chính mỗi dự án khác nhau như chi phí đầu tư dự án, lưu lượng xe qua trạm, lãi suất tiền vay. Vì vậy, để tìm một phương án chung tuyệt đối cho tất cả các dự án là rất khó. Tổng cục Đường bộ VN đang tính toán, rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư cụ thể từng dự án, tổng hợp và đề xuất phương án tối ưu nhất cho tất cả các dự án trên các tuyến quốc lộ.
Dư luận thắc mắc khi giảm giá vé mà kéo dài thời gian thu phí chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”. Ông giải thích thế nào về nhận định này?
Mức giá và thời gian thu giá hoàn vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chi phí đầu tư, lưu lượng xe qua trạm, lãi suất tiền vay. Trong đó, chi phí đầu tư và lưu lượng xe là các yếu tố quyết định mức giá và thời gian thu hoàn vốn dự án. Chi phí đầu tư dự án càng lớn, lưu lượng xe qua trạm thấp, mức giá sẽ càng cao và thời gian thu hoàn vốn dự án càng dài. Dự án nào mức giá cao thì thời gian thu hoàn vốn ngắn và ngược lại dự án nào có mức giá thấp thì thời gian thu hoàn vốn sẽ dài hơn. Do đó, việc đưa ra mức giảm giá vé được cập nhật tất cả các yếu tố vào phương án tài chính. Nếu lưu lượng xe tăng, chi phí đầu tư giảm, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng giảm thì việc giảm giá sẽ không làm tăng thời gian thu giá hoàn vốn của dự án.
Ví dụ, Trạm thu giá Pháp Vân - Cầu Giẽ, lưu lượng xe thực tế qua trạm cao hơn so với lưu lượng dự kiến trong phương án tài chính khi lập dự án, ký hợp đồng dự án. Sau khi cập nhật lưu lượng xe thực tế vào phương án tài chính, Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận giảm giá 25% đối với tất cả các loại mệnh giá vé từ ngày 15/10. Việc giảm giá không làm tăng thời gian thu giá hoàn vốn của dự án.
Đối với một số trạm thu giá có lưu lượng không tăng hoặc tăng thấp, chi phí đầu tư không giảm nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu, lãi suất vay thực tế không giảm so với dự kiến, việc giảm giá sẽ làm tăng thời gian thu giá hoàn vốn của dự án. Tổng cục Đường bộ VN đang tính toán, rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư cụ thể từng dự án để có mức giảm hợp lý hoặc giãn thời gian tăng giá phù hợp.
Nhiều xe lưu thông trên QL5 nhưng không qua trạm thu giá thì không phải trả tiền (Trong ảnh: Xe đi trên QL5 rẽ lối Cẩm Giàng, Hải Dương không phải qua trạm thu giá) - Ảnh: Khánh Linh |
Xây dựng phần mềm giám sát thu phí trực tuyến
Nhiều ý cho rằng, việc giảm phí chỉ là xoa dịu dư luận, vấn đề cốt lõi là phải giải quyết các bất cập trong công tác thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ. Tổng cục có giải pháp gì để quản lý, giám sát doanh thu, lưu lượng tại các trạm thu phí BOT?
Đúng là hình thức đầu tư BOT đang bộc lộ một số bất cập về vị trí trạm, mức giá và trong khai thác. Nhận thức được những vấn đề này, Bộ GTVT đang thực hiện nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ bất cập bằng việc ban hành Thông tư số 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá sử dụng đường bộ với các giải pháp giải quyết tối đa những bất cập tại các dự án BOT.
Bên cạnh việc yêu cầu nhà đầu tư BOT tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, rà soát, tăng dung lượng ổ đĩa lưu trữ dữ liệu thu phí lâu dài, phục vụ cho công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đang khẩn trương đẩy nhanh Dự án thu phí không dừng, trước mắt áp dụng tại các trạm thu phí trên QL1 và QL14. Tiến tới áp dụng toàn bộ các trạm thu phí trên phạm vi cả nước. Việc áp dụng thu phí không dừng giúp tăng năng lực thông qua các trạm thu phí, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Dự án đi vào hoạt động cũng sẽ giúp giám sát hiệu quả công tác thu phí.
Tổng cục Đường bộ VN cũng đang xây dựng phần mềm giám sát thu phí trực tuyến tập trung. Sau khi xây dựng xong, tất cả các dữ liệu của trạm thu phí sẽ được truyền về máy chủ. Cơ quan quản lý sẽ quản lý được tình trạng hoạt động của các trạm thu phí như công tác thu phí có diễn ra đúng quy định, quy trình hay không, công tác đảm bảo ATGT, công tác chống ùn tắc. Ngoài ra, phần mềm sẽ giúp công khai, minh bạch số liệu của dự án như tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn, mức thu, doanh thu..., trên website của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN để nhân dân biết và cùng giám sát.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận